Là một nhân viên thiết kế đồ họa nhưng Hà Thái Sơn (SN 1994, quê Phú Thọ) thừa nhận, mình là một người có 'duyên nợ' với môn Lịch sử, muốn truyền cảm hứng cho các em học sinh lớp 12 trước thềm mùa thi THPT quốc gia.
Đội ngũ ban quản trị diễn đàn chuyên ôn thi khối C cho các bạn học sinh với hơn 117.000 thành viên tham gia. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với chúng tôi, Sơn tâm sự: "Chúng em thành lập nên nhóm diễn đàn dành riêng cho các bạn ôn thi khối C trên mạng xã hội facebook từ đầu tháng 6/2016. Hiện tại, nhóm đã có hơn 117.000 thành viên sau gần hai năm thành lập. Qua gần ba mùa thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, đội ngũ quản lý nhóm gồm cả một số thầy cô giáo, sinh viên sư phạm ở các khoa Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý đã luôn dành sự giúp đỡ tận tình để hướng dẫn cho các thành viên ôn luyện.
Công việc chủ yếu của ban quản trị nhóm là giải đáp thắc mắc, đăng bài, cung cấp thông tin về các khối trường an ninh, quân đội cũng như các trường tuyển sinh khối C để hướng dẫn cho các bạn học sinh. Ngoài ra, có thầy cô thường soạn đề và đăng đề thi thử lên nhóm rồi sau đó sẽ giải đáp cặn kẽ cả đề thi và đáp án cho các em. Nếu có câu hỏi nào có tính tranh luận, thầy cô cũng đưa ra quan điểm của mình kèm theo dẫn chứng cụ thể để giải đáp".
Theo Sơn, nhiều khi có em học sinh lớp 12 muốn thi lại thường lấy đề từ những quyển sách cũ ra để ôn luyện. Khi các em đặt câu hỏi bằng những kiến thức in từ các cuốn sách được in cách đây rất lâu lên nhóm để bàn luận xin ý kiến, vô tình lại xuất hiện sự tranh luận mà đôi khi không có câu trả lời thỏa đáng cuối cùng. Khi đó, ban quản trị sẽ đứng ra giải quyết vấn đề đó cho các em.
Hình thức thi trắc nghiệm khách quan mới xuất hiện trong kì thi THPT quốc gia nên còn khá mới. Các em học sinh lớp 12 có phần khá vất vả khi chuyển từ dạng đề tự luận sang dạng đề thi trắc nghiệm. Đổi lại, cũng nhờ đó mà các em có được một nền tảng kiến thức vững hơn. Thi trắc nghiệm chỉ đưa ra câu hỏi và đáp án, đòi hỏi các em học kĩ, học chuyên sâu.
Học sinh lớp 12 trong giờ học Lịch sử. Ảnh: Ngọc Thạch/báo Thanh Niên. |
Học ở sách giáo khoa (SGK) giúp các em có nền tảng kiến thức vững làm các dạng câu hỏi nhận biết thông hiểu, vận dụng cao còn muốn lấy điểm 10 của kì thi năm nay thì ngoài sgk các em phải học thêm ở nhiều nguồn khác để giải quyết các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, nhất là tổ hợp môn khối C.
"Khi thi trắc nghiệm, bộ phận ra đề thường chú trọng vào những chi tiết rất nhỏ, tách các ý trong SGK ra thành câu hỏi cho thí sinh trả lời. Nếu không học kĩ SGK, thí sinh không để ý sẽ rất dễ mất điểm. Với những câu vận dụng thấp, vận dụng cao người ra đề có thể tách một ý trong một số câu hỏi nâng cao trong đề thi tự luận để làm thành đề trắc nghiệm. Như vậy, sẽ rất khó đối với những em chưa từng đọc hay tiếp cận với dạng tự luận nhiều.
Theo như đề thi minh họa môn Lịch sử mà Bộ GD&ĐT công bố ngay từ mùa thi năm 2017, các em học sinh lớp 12 cần chú ý lại cách học, ôn luyện của mình. Các em không chỉ học nguyên sự kiện, nhân vật, mốc thời gian, địa danh nữa mà cần học chuyên sâu để làm những câu vận dụng cao. Đối với những em thi từ tự luận sang trắc nghiệm lại có một điểm thuận lợi hơn là có sẵn nền tảng kiến thức", Thái Sơn chia sẻ.
Hà Thái Sơn - chàng trai với đam mê môn Lịch sử và ôn thi đại học khối C cho các bạn học sinh lớp 12. Ảnh: Đình Tuệ. |
Nói về cách ôn thi cho các em học sinh trong mùa tuyển sinh năm nay, Sơn cho rằng: "Với cách tính điểm ưu tiên và làm tròn điểm theo như thông báo của Bộ GD&ĐT mới đây, cánh cửa đại học sẽ không hề dễ dàng với các thí sinh. Muốn tăng khả năng đỗ thì các em cần cải thiện nền tảng kiến thức ở SGK thật vững. Các em học sinh cần đọc kĩ SGK dù chỉ là đề mục, bởi đề thi có thể chỉ trích dẫn một chút đã thành một câu hỏi trong đề thi.
Thứ hai, các em chú ý có thể tìm mua một số cuốn sách tham khảo trên thị trường, tìm các đề thi những năm trước cả lớp 11 và 12. Do năm nay Bộ sẽ kiểm tra cả một phần kiến thức lớp 11 thay vì chỉ là kiến thức lớp 12 như trước đây, các em cần tìm cả các đề kiểm tra học kì ở lớp 11 nữa để có thêm nguồn kiến thức. Các bạn cũng có thể xin thêm tư liệu ôn lớp 11 của các thầy cô giáo nữa.
Thứ ba, khi gặp các câu hỏi khó trong đề thì trước đây thì ta cần lên mạng để tìm hiểu thêm về vấn đề đó. Các bạn học sinh có thể đăng câu hỏi đó lên nhóm diễn đàn để xin ý kiến góp ý của các thành viên khác và các thầy cô. Những người đi trước sẽ có những giải đáp giúp các bạn.
Thứ tư, các em có thể lên mạng tìm xem các bài giảng chuyên sâu về một chủ đề bài học của thầy cô giáo từng môn. Đây là một nguồn tư liệu đáng tham khảo để các em ghi nhớ. Bởi có những bài trên lớp thầy cô chỉ giảng một tiết 45 phút nhưng lên mạng, thầy cô có thể giảng tới 1 - 2 giờ đồng hồ vì cần làm rõ nhiều vấn đề chi tiết và đi chuyên sâu giải đáp hơn.
Trong các đề thi đã được giải đáp chi tiết từ những thành viên có kiến thức chuyên sâu thì các em cũng cần lưu lại hoặc ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ nào đó để lấy vốn kiến thức và làm tư liệu cho mình học. Nếu duy trì thói quen này qua một thời gian dài, ôn từ lớp 11 đến kì thi THPT quốc gia năm sau, khối lượng kiến thức sẽ không hề nhỏ, các em sẽ không ngần ngại khi gặp câu hỏi khó".
Công bố danh sách 65 cụm thi THPT quốc gia 2018
Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách và mã cụm thi thi THPT quốc gia năm 2018, các thí sinh lớp 12 cần nắm vững ... |