Bí thư Hà Nội: 'Không phong tỏa một cách cực đoan'

Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Hà Nội sẽ không phong tỏa toàn TP và cho rằng các giải pháp Hà Nội đang triển khai đều đang đúng và hiệu quả.

Chiều 10/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND TP và Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh số ca mắc tại Hà Nội tăng nhanh với hơn 1.500 trường hợp F1.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết từ ngày 29/4 đến nay, TP ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện với 28 điểm tạm thời phong tỏa để khoanh vùng, dập dịch.

Số ca bệnh tiếp tục tăng nhanh

Các bệnh nhân tại Hà Nội chủ yếu lây nhiễm từ các chùm ca bệnh ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, ca bệnh người Ấn Độ, chuyến bay VN160. Liên quan tới chùm ca bệnh tại Bắc Ninh, Hà Nội đã ghi nhận 14 người dương tính với SARS-CoV-2, số F1 lên đến 122 người.

“Ổ dịch của 2 bệnh viện và đặc biệt từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc tiếp tục tăng lên. Cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này”, bà Hà nhận định.

Bí thư Hà Nội: 'Không phong tỏa một cách cực đoan' - Ảnh 1.

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội lo ngại trước việc số ca bệnh tăng nhanh. (Ảnh: Đ.X).

Sở Y tế đã tăng cường năng lực lấy mẫu, công suất xét nghiệm lên 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày lên 30.000 mẫu/ngày). Cùng với đó, ngành y tế sẽ mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để tầm soát, phát hiện sớm ca bệnh.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đánh giá Gia Lâm là địa bàn có nguy cơ rất cao, giáp ranh với vùng dịch tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ông yêu cầu huyện tăng cường chốt chặn toàn bộ các đường ngang, ngõ tắt nối 2 địa phương.

Các tổ chống Covid -19 cộng đồng của huyện nắm bắt chặt di biến động của người dân thời điểm trước, trong và sau khi huyện Thuận Thành giãn cách xã hội. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Sở Giao thông Vận tải phối hợp với huyện trong triển khai khu cách ly, tổ chức phân luồng giao thông theo kiến nghị của huyện.

Theo ông Ngọc Anh, sắp tới Hà Nội nhiều khả năng gia tăng các ca bệnh, ông đặc biệt lo ngại nguồn bệnh từ các tỉnh giáp ranh với Hà Nội. Tuy nhiên, Chủ tịch TP nhìn nhận chính quyền một số nơi còn lỏng lẻo, người dân còn chủ quan với công tác phòng, chống dịch.

"Thực hiện chưa quyết liệt như ở công viên, vườn hoa vẫn tụ tập và kiến nghị xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi", ông Chu Ngọc Anh nói. Lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh ngay tình trạng này và nhấn mạnh sẽ có quy định cụ thể.

Không phong tỏa một cách cực đoan

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến dũng khẳng định diễn biến của dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn lần trước. Bí thư đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân toàn TP tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá.

Ông Dũng khen ngợi cách làm của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm, từ đó vừa đảm bảo an toàn, vừa không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu nhân rộng cách làm này.

“TP không giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Không có việc phong tỏa toàn TP, chúng ta bình tĩnh xử lý và những giải pháp TP đang làm là đúng và hiệu quả”, Bí thư Thành ủy nói rõ.

Bí thư Hà Nội: 'Không phong tỏa một cách cực đoan' - Ảnh 2.

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu cấp huyện nếu để dịch lây lan. (Ảnh: Đ.X).

Cùng với đó, Bí thư Hà Nội mong muốn có sự tham gia của đông đảo các lực lượng trong công tác phòng chống dịch, không để tuyến đầu phải căng mình chống chịu. "Như việc xử lý hàng quán hoạt động sai quy định không phải cứ 'đẩy' hết cho công an mà các lực lượng khác cũng phải vào cuộc”, Bí thư Thành ủy nhắc nhở.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã các địa phương có dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn mình. Ông Dũng yêu cầu lãnh đạo địa phương không được ra khỏi thành phố, không được bỏ địa bàn và nhấn mạnh sẽ "xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để dịch bệnh lây lan”.

Từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, thực sự là ngày hội của nhân dân thủ đô.

Từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội là địa phương có số lượng bệnh nhân cao nhất cả nước với nhiều ổ dịch lớn, đa nguồn lây. Tính đến 19h ngày 10/5, CDC Hà Nội đã ghi nhận tổng số 141 ca bệnh trên địa bàn. Trong đó, số ca mắc cộng đồng là hơn 40 người, còn lại là các ổ dịch tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.