Sáng nay 22/11, trao đổi với Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội về giá bán nước sạch gây băn khoăn dư luận ở Hà Nội thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết thành phố sẽ thuê công ty tư vấn độc lập để tính giá thành sản xuất nước sạch.
"Sau khi có kết quả tính giá thành thì UBND TP sẽ xem xét và quyết định"- ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bí thư Hoàng Trung Hải: Hà Nội sẽ thuê công ty tư vấn độc lập để tính giá thành sản xuất nước sạch
Việc Công ty Nước mặt Sông Đuống đưa ra giá nước tạm tính là để làm thủ tục với ngân hàng, theo lý giải của ông Hoàng Trung Hải, nếu như các dự án điện thì hồ sơ vay vốn ngân hàng thường làm chặt chẽ ngay từ đầu với giá thành, giá bán, còn dự án sông Đuống không nhỏ nhưng không quá lớn nên có thể doanh nghiệp mới đưa ra mức giá tạm tính để làm thủ tục vay vốn.
Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết TP Hà Nội đang tính toán, có lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, tiến tới bỏ. Về lý do, ông Hoàng Trung Hải cho rằng đến từ các thách thức ô nhiễm môi trường, sụt lún.
Ông Hoàng Trung Hải dẫn chứng Đồng bằng Sông Cửu Long riêng việc lấy nước ngầm để sản xuất nông nghiệp đã gây lún khoảng 14 cm.
Nhà máy nước mặt sông Đuống dính lùm xùm về giá bán nước quá cao
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết TP Hà Nội đã tính toán đến vấn đề sụt lún, nhưng chưa ảnh hưởng do nền đất cứng hơn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. "Nhưng không được chủ quan, bởi như Thái Lan cũng đã bị sụt lún. Chúng ta đi trên đường phố Thái Lan, có thể thấy một số vị trí đã sụt lún" - ông Hoàng Trung Hải nói.
Hiện Hà Nội vẫn còn 50% nước ngầm, ông Hoàng Trung Hải cho biết lộ trình sẽ đẩy tỉ lệ sử dụng nước mặt lên bao nhiêu thì giảm nước ngầm đi bấy nhiêu, để tương ứng.
Trước đó, báo chí đã đưa tin, theo phương án phê duyệt giá bán tạm tính đối với nước sạch sông Đuống tại văn bản số 3310/UBND-KT, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giá bán tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án này.
Theo đó, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế GTGT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Về mức giá này, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết mức giá trên chỉ là mức tạm tính tối đa, mức cụ thể được xác định khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán.