Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM trao đổi với trí thức, nhà khoa học tại hội nghị. |
Đó là mong muốn của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM khi trao đổi với đội ngũ trí thức và nhà khoa học bên lê hội nghị lãnh đạo TP gặp gỡ trí thức ngày 20-12.
Theo ông Thăng, trí thức, nhà khoa học đang có những đóng góp lớn cho sự phát triển của TP HCM. Người đứng đầu Thành ủy TP HCM mong muốn các trí thức, nhà khoa học hãy vượt qua mọi cản trở hữu hình và vô hình, cùng chung tay đưa TP HCM trở thành một thành phố đáng sống trong khu vực.
Ông Thăng cũng đồng ý cần sớm thay đổi cơ chế, hình thành hệ thống chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu xong thì không dùng. Thành phố cũng sẽ xem xét chính sách nghiên cứu sản phẩm kết hợp với thị trường, không làm nản lòng các nhà khoa học. TP sẽ tổ chức tôn vinh, khen thưởng các nhà khoa khoa học, các công trình khoa học nghiên cứu, các sáng kiến… đóng góp cho sự phát triển của TP.
Khi trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội nghị, trước ý kiến cho rằng trí thức ngại giới thiệu về những công trình, đề tài nghiên cứu của mình nên nhiều công trình khoa học chưa phát huy được tác dụng, khó tiếp cận được các nguồn hỗ trợ. "Các anh là nhà khoa học phải giống như huấn luyện viên Mourinho, trong đội bóng thì chỉ một mình anh là ngôi sao, phải mạnh dạn và quyết đoán", ông Thăng ví von.
Trước đó, PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng để thu hút được tri thức Việt kiều từ nước ngoài về làm việc thì chính sách tiền lương là quan trọng nhất vì nhiều chuyên gia về nước cống hiến nhưng nhận mức lương khá khiêm tốn. Ngoài ra theo ông Phong thì chỉ khi nào trí thức không phải lo toan quá nhiều về cuộc sống thì họ mới có nhiều thời gian cống hiến cho công việc.
Đại diện cho giới trí thức Việt Kiều, GS.TS Đặng Lương Mô một chuyên gia hàng đầu về vi mạch trên thế giới và hiện là cố vấn Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM thẳng thắn rằng hiện chúng ta đang quá chú trọng đến vấn đề bằng cấp.
“Nhưng giáo dục hiện đại cần phải tính đến yếu tố chuyên nghiệp. Các nước tiến bộ rất ưu ái những người biết làm việc chuyên nghiệp, làm một việc nhưng đến nơi đến chốn. Ví dụ như về vấn đề thủ tục giấy tờ hành chính, sự chuyên nghiệp là phải làm sao cho người dân chỉ cần đi 1 lần là làm xong việc. TP HCM cần phải tập trung vào khoa học cơ bản. Đừng nhìn vào con số phát triển 6-7% mà thoả mãn. Chúng ta phải nhìn vào vấn đề là trong vòng 10 năm nữa chúng ta phải phát triển trên 20%. Lại lấy ví dụ về Singapore, về mọi mặt không thuận lợi bằng TP HCM, tại sao họ lại phát triển như vậy?”, GS Mô chia sẻ và đặt vấn đề.