Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. |
Hết bệnh, vẫn có khả năng truyền virus
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại TP.HCM, trong tháng 9 vừa qua, số bệnh nhi mắc tay chân miệng đã tăng 13% so với tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số ca bệnh của thành phố lên tới gần 4.000 trường hợp.
Tại bệnh viện Xanh-Pôn (Hà Nội), mỗi ngày ghi nhận có từ 30-40 bệnh nhi vào khám có liên quan tới Tay Chân Miệng. Theo dự đoán, thời gian tới, khi dịch vào mùa (từ tháng 9 – tháng 12), nếu không biết cách phòng tránh, dịch bệnh còn có nguy cơ lan rộng hơn năm 2015. Trên thực tế, Tay Chân Miệng là bệnh dễ lây. Nó có thể lây qua trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Đặc biệt, ngay cả khi đã khỏi, trong thời gian đầu, trẻ vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang người khác.
Cũng bởi những yếu tố lây truyền phức tạp như trên mà Tay Chân Miệng được coi là bệnh nguy hiểm. Chỉ cần một trẻ bị bệnh là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Mụn nước tay chân miệng: Tập trung ở lòng bàn tay, chân, mông, gối
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, bệnh viện Nhi Trung ương, ở thời điểm khởi phát, tay chân miệng thường không có biểu hiện đặc thù. Trẻ thường bị sốt nhẹ, đau họng, đau miệng và biếng ăn. Lúc này, nhiều cha mẹ chỉ nghĩ con đơn giản là bị viêm họng hay nhiệt miệng do ăn nhiều đồ nóng.
Bệnh nhân tay chân miệng vẫn có thể truyền virus cho người khác dù đã hết bệnh. |
Sau đó 1-2 ngày, trẻ bước vào giai đoạn toàn phát với các dấu hiệu điển hình như miệng có vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; mụn nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; sốt nhẹ; buồn nôn và nôn.
Ở giai đoạn này, với triệu chứng sốt và mọc mụn nước, nhiều cha mẹ bị nhầm lẫn bệnh với thủy đậu, dẫn đến việc điều trị cho trẻ bị lệch hướng.
Thoạt nhìn, hai bệnh này có vẻ giống nhau, tuy nhiên, bác sĩ Hằng khẳng định, nếu tinh ý, chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt được. Đầu tiên, với bệnh tay chân miệng, ngoài các mụn nước ở chân tay thì còn có thêm có vết loét hay mụn nước trong miệng. Ngoài ra, mụn nước khi mắc tay chân miệng chủ yếu tập trung ở lòng bàn tay, chân, gối, mông, trong khi đó mụn nước của thủy đậu có thể mọc rải rác khắp người như ở mặt, ở lưng. Về kích thước, các nốt phỏng ở thủy đậu to hơn, dễ vỡ hơn và đặc biệt, ở giai đoạn sau thì có thêm các chấm đen ở giữa.
Một lưu ý nữa là, bóng nước của thủy đậu thường gây ngứa, khó chịu, nhưng bóng nước của bệnh Tay Chân Miệng khi ấn vào lại không có cảm giác đau, ngứa trừ khi bị vỡ và trừ các nốt ở miệng.
Trẻ bệnh cần được cách ly và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày
Thông thường, sau khoảng 14-16 ngày, bệnh Tay Chân Miệng sẽ khỏi, thế nhưng, nếu không được chăm sóc đúng cách, nó có thể trở nặng và để lại những biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp. Lúc này, trẻ sẽ có những biểu hiện đặc thù là lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh.Trong trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời, tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, trẻ bị tay chân miệng cần được tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ để tránh bội nhiễm. |
Cũng bởi lo lắng trẻ sẽ gặp phải biến chứng, thế nên, khi chăm sóc trẻ bệnh, nhiều người kiêng tắm rửa cho con mà không ngờ rằng việc này sẽ làm tăng khả năng nhiễm trùng da. Thế nên, bác sĩ Hằng khuyến cáo: "Cách tốt nhất để mau lành bệnh là tắm rửa, vệ sinh hàng ngày sạch sẽ cho trẻ, đồng thời, sử dụng dung dịch xanh methylen để chấm các nốt phỏng".
Với các nốt phỏng trong miệng, bạn nên cho trẻ xúc miệng bằng nước muối thường xuyên. Đặc biệt, bố mẹ cũng lưu ý trẻ tuyệt đối không được cạy các nốt phỏng ra, nếu không rất dễ bị nhiễm trùng.
Về chế độ dinh dưỡng, theo khuyến cáo của bác sĩ Hằng, trẻ không cần kiêng khem bất cứ thứ gì và cần phải ăn đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nếu bé không ăn được, bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống thêm nhiều nước chanh, cam để tăng cường đề kháng.
Với những trẻ bị sốt, cha mẹ cần theo dõi các biểu hiện. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt để trẻ đỡ mệt mỏi cũng như phòng tránh co giật. Và nếu thấy trẻ có dấu hiệu li bì, mệt mỏi, nôn nhiều cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để đề phòng các biến chứng.
Cũng bởi khả năng truyền bệnh ngay cả khi đang mắc, thậm chí là đã khỏi, thế nên, trẻ bị Tay Chân Miệng cần phải cách ly đặc biệt. Theo ước tính của các cơ quan y tế, nếu không được ngăn chặn, phòng ngừa, một trẻ bị tay chân miệng có thể truyền bệnh cho khoảng 400 người khác.
Thực tế, dù Tay Chân Miệng là bệnh dễ lây, thế nhưng, không phải là không thể phòng tránh. Theo đó, trẻ cần phải được giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Nếu đang ở trong vùng dịch, bạn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc nơi đông người. Đặc biệt, nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để được điều trị đúng hướng ngay từ đầu.
An An
(Thực hiện)