Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 469,6 triệu USD lốp xe từ Việt Nam.
“Quyết định sơ bộ thể hiện bước tiến quan trọng cho chương trình nghị sự thương mại ‘Nước Mỹ trên hết’”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố. Chính quyền tổng thống Donald Trump “sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này để đảm bảo ngành công nghiệp Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng”.
Việt Nam đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng tỷ giá hối đoái để thúc đẩy thương mại. “Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ tình hình kể từ khi nó được nêu ra”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam cho biết trong cuộc họp báo tại Hà Nội khi được hỏi về thuế quan.
"Chúng tôi đã giải thích cho Mỹ về các chính sách liên quan của chúng tôi", ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc gặp hồi tháng trước với Adam Boehler, người đứng đầu Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ, cho biết chính phủ không sử dụng đồng tiền của mình để “tạo lợi thế cạnh tranh” cho các lĩnh vực sản xuất của mình.
Mức thuế quan được đưa ra sau thông báo hồi tháng 10 của chính quyền ông Trump về cuộc điều tra thương mại đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Mỹ mở vụ kiện thương mại để thăm dò việc định giá tiền tệ Việt Nam. Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra chỉ dẫn cho Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ thu tiền tạm ứng từ các nhà nhập khẩu lốp xe từ Việt Nam dựa trên tỷ giá sơ bộ.
Bộ cũng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế vào ngày 16/3, khoảng thời gian mà Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ việc.
Trong cuộc gặp với Boehler, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền ông Trump “có đánh giá khách quan hơn về thực tế ở Việt Nam” và nói rằng việc sử dụng đồng tiền của mình để đạt được lợi thế sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin của người dân và nhà đầu tư” đồng thời gây tổn hại kinh tế của quốc gia.
Chia sẻ với người viết, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Cục đã nắm thông tin từ phía Mỹ và đang báo cáo lãnh đạo Bộ để có những phản hồi và thông tin chính thức cho doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM, cho hay: "Mức thuế này chỉ là tạm thời, theo đó, từ tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu lốp xe sang Mỹ phải nộp một khoản tiền tương ứng với mức thuế được công bố, đến tháng 3 năm sau, nếu quyết định chính thức áp dụng họ sẽ thu giữ khoản tiền đó, còn không sẽ trả lại cho doanh nghiệp".
Cũng theo ông Quốc Anh, hiện Việt Nam xuất khẩu gần 500 USD các sản phẩm lốp xe sang Mỹ mỗi năm, trong đó, tỉ lệ xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam nên nhóm các doanh nghiệp này sẽ chịu tác động nhiều hơn.
"Tuy nhiên, so với các nước khác như Trung Quốc, Indonesia với mức thuế cao hơn, thì việc xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ dù có ảnh hưởng nhưng sẽ không nhiều và sức bán cũng như doanh thu ngành sẽ không giảm đáng kể", Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM chia sẻ.