Trong một tuyên bố ngày 14/8, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 4 tàu chở dầu trên vận chuyển khoảng 1,16 triệu thùng xăng. Lượng hàng hóa này hiện đã bị chính phủ Mỹ tịch thu với sự giúp đỡ của "các đối tác nước ngoài".
Theo dữ liệu của Bloomberg thì không rõ 4 con tàu trên đã ở đâu vào thời điểm bị bắt giữ vì chúng đều tắt hệ thống theo dõi vệ tinh để tránh bị phát hiện trong giai đoạn tháng 5 - 7/2020.
Tin tức về vụ bắt giữ nêu trên gợi lên hình ảnh các con tàu lùng (privateer) của Anh, tức tàu của tư nhân được chính phủ giao nhiệm vụ chuyên đi bắt tàu buôn của địch.
Về bản chất, Bloomberg cho rằng những con tàu lùng này không khác gì tàu cướp biển do nhà nước bảo trợ, chuyên tấn công các đội tàu chở vàng, bạc và đá quí của Tây Ban Nha từ Tân Thế giới (tức châu Mỹ ngày nay) về châu Âu vào thế kỉ 16 và 17.
Vào những năm 1580, Nữ hoàng Elizabeth I của Anh đã bắt đầu ban hành "giấy phép cho bắt giữ và đáp trả tàu địch" trên hải phận quốc tế và chia sẻ số tài sản thu được với Hoàng gia. Giấy phép này được trao cho một số cá nhân được ưu ái như các nhà hàng hải John Hawkyns, Martin Frobisher, Francis Drake và Walter Raleigh.
Tương tự Anh khi đó, Mỹ bây giờ đã tự cho mình quyền chiếm đoạt tài sản trên hải phận quốc tế đối với các tàu thuyền mà nước này tin là thuộc sở hữu của các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Tuy nhiên, Mỹ không cấp giấy phép cho các tổ chức tư nhân hay trong trường hợp cuối tuần trước, Mỹ cũng không dùng đến quân đội. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ chia sẻ với AP rằng không có lực lượng quân sự nào được điều động trong vụ bắt giữ mới nhất.
Thay vào đó, chủ tàu, công ty bảo hiểm và thuyền trưởng của 4 con tàu bị đe dọa trừng phạt và buộc phải giao nộp hàng.
Mô hình cướp biển dưới sự bảo trợ của chính phủ đã thay đổi chút ít sau 440 năm. Hiện tại, Mỹ - cường quốc hải quân thống trị thế giới, vẫn tự thông qua luật riêng cho phép nước này chiếm giữ tài sản của đối thủ trên biển.
Một ngày trước khi thu giữ hơn 1 triệu thùng xăng của Iran, Mỹ còn lên tiếng chỉ trích quân Iran xông lên chiếm một tàu chở dầu nhỏ ở hải phận quốc tế trong vài giờ liền trước khi cho phép con tàu tiếp tục di chuyển.
"Hành vi liều lĩnh và hung hãn này của Iran gây mất ổn định khu vực và đe dọa trật tự dựa trên luật lệ của thế giới", Tổ chức An ninh Hàng hải Quốc tế do Mỹ đứng đầu tuyên bố.
Bước đi mới nhất của Mỹ với 4 tàu chở xăng của Iran rõ ràng cũng không dựa trên luật pháp quốc tế. Cả hai động thái đều phục vụ lợi ích tương ứng của từng nước, không có sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc hay một tổ chức quốc tế nào. Sau hành động của phía Mỹ, Iran có thể đáp trả lại.
Theo đơn khiếu nại về vụ bắt giữ, tổng lượng xăng dầu mà Mỹ thu về từ 4 con tàu của Iran trị giá khoảng 61 triệu USD. Một phần khoản tiền thu được từ việc bán 1,16 triệu thùng xăng sẽ được chuyển đến Quĩ Nạn nhân Khủng bố do chính phủ Mỹ bảo trợ.
Gần 80% người nhận trợ cấp từ quĩ này có liên quan đến vụ tấn công kinh hoàng vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ngày 11/9/2001. Trong khi đó, Iran không có liên quan gì đến vụ tấn công khủng bố này.
Ngoài mục đích đánh vào nguồn thu của chính phủ Iran và lượng xăng dầu mà Venezuela đang rất cần, việc thu giữ hàng hóa mới đây còn nhằm ngăn chặn các chuyến tàu vận chuyển dầu tương tự từ Iran trong tương lai.