Nhiều người hẳn đã từng trải nghiệm cảm giác phấn khích sau khi thắng đấu giá và ngay sau đó cảm thấy lo lắng rằng mình đã trả giá quá cao. Trong kinh tế, hiện tượng này gọi là lời nguyền của kẻ thắng cuộc.
Lời nguyền này thực sự tồn tại. Chỉ cần suy nghĩ một lát, người thắng đấu giá nhận ra rằng có lẽ những người khác có lí do đúng đắn khi không trả giá cao như anh ta. Trong trường hợp này, chiến thắng của anh ta đồng nghĩa với thất bại.
Hiểu rõ lời nguyền của kẻ thắng cuộc và biết cách để tránh nó là một phần lí do giúp hai nhà kinh tế của Đại học Stanford là Robert Wilson và Paul Milgrom giành được giải Nobel Kinh tế 2020.
Theo Bloomberg, công trình nghiên cứu của hai ông Wilson và Milgrom độc đáo ở điểm nó vừa mang tính lí thuyết lại có giá trị thực tiễn cao. Từ năm 1994 đến 2014, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã huy động được 120 tỉ USD bằng cách bán tần số không dây thông qua một cuộc đấu giá do hai ông thiết kế cùng với Preston McAfee - người khi đó đang là giáo sư tại Đại học Texas.
Giấy phép cho thuê khu khai thác dầu, khí thiên nhiên và điện cũng được bán đấu giá tương tự. Nói một cách rộng hơn, ý tưởng của hai ông Wilson và Milgrom đã giúp các nhà kinh tế hiểu rõ việc đấu giá trong mọi lĩnh vực, từ quảng cáo internet cho đến trái phiếu Kho bạc.
Nhà kinh tế học Jakub Kastl của Đại học Princeton, người đã làm việc cùng hai ông khi giảng dạy tại Đại học Stanford cho biết: "Cả Wilson lẫn Milgrom đều vô cùng thông minh. Họ cung cấp cho các nhà nghiên cứu công cụ về cách tiếp cận thị trường đấu giá".
Trên thực tế, sự tồn tại của lời nguyền của kẻ thắng cuộc đã được biết đến từ trước nghiên cứu của hai ông Wilson và Milgrom. Tuy nhiên, hai ông đã xây dựng giả thuyết giải thích cách thức và điều kiện mà lời nguyền diễn ra, cũng như phương pháp để nó bớt trở nên tai hại hơn.
Lấy ví dụ về trường hợp đấu giá cho một căn nhà. Ông Wilson cho thấy nếu những người trả giá nhạy cảm về rủi ro lời nguyền của kẻ thắng cuộc, họ sẽ ra giá thấp hơn giá trị thực sự của ngôi nhà theo ước tính. Như vậy, nếu trúng giá, khả năng họ trả quá cao sẽ giảm xuống.
Ông Wilson tập trung vào trường hợp những người đấu giá chỉ quan tâm đến "giá trị thông thường" của ngôi nhà – ví dụ, tất cả người trả giá đều nhắm đến việc tân trang và bán lại căn nhà cho người khác.
Ông Milgrom xem xét trường hợp rộng hơn, khi mà những người đấu giá quan tâm về giá trị thông thường nhưng có những "giá trị riêng" khác nhau. Ví dụ, căn nhà có thể đáng giá hơn đối với một người tham gia đấu giá vì nó gần với nơi cô ấy làm việc.
Ông Milgrom cho thấy rằng người bán sẽ thu về được giá cao hơn nếu họ cung cấp thêm thông tin về vật phẩm đấu giá, ví dụ như giá thẩm định của một tổ chức độc lập. Người bán cũng được lợi nếu những người trả giá biết về giá trị ước tính của nhau trong quá trình đấu giá, do vậy không nên tổ chức đấu giá kín.