Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, sáng 10/8, tại phiên họp thứ 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lí Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi).
Đây là dự thảo luật đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức quản lí dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho công dân và nâng cao hiệu lực quản lí nhà nước về cư trú. Trong đó, thời điểm có hiệu lực của Luật và qui định chuyển tiếp là nội dung đáng chú ý.
Về vấn đề này, đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lí cư trú mới; có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lí dân cư như đề xuất của Chính phủ; có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lí này và cho rằng qui định thời điểm của hiệu lực của Luật là từ ngày 1/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật qui định một thời kì chuyển tiếp, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025.
Nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần qui định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lí cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lí, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị qui định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021; chuyển hoàn toàn việc quản lí cư trú sang phương thức mới và Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.
Cho ý kiến về mục tiêu phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để có thể vận hành chính thức từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định có một số ý kiến lo ngại không đủ thời gian thực hiện, nhưng Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thưc hiện chuyển tiếp.
Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực là từ ngày 1/7/2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nếu qui định hiệu lực luật này là 1/7/2021 nhưng thời điểm chuyển tiếp là 31/12/2025, tức là sau 5 năm thì mới bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú, qui định như vậy lại không phù hợp.
Vì thực tế hiện nay chỉ thay phương thức quản lí bằng phương pháp thô sơ (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) chuyển sang phương pháp mới (số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú). Mục tiêu cuối cùng là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo yêu cầu quản lí nhà nước, nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp thì không phù hợp.
Vấn đề đặt ra là Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp cần có các biện pháp chỉ đạo, tổ chức quyết liệt để xây dựng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư; đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.