Chiều 4/9, tại buổi Họp báo Chính phủ tháng 8, nhiều câu hỏi liên quan đến điện mặt trời áp mái đã được gửi đến Bộ Công thương.
Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay ở Việt Nam nhắc đến ĐMT là nói nhiều đến điện lắp trên mặt đất, nhưng ngoài ra còn có ĐMT nổi và ĐMT đặt trên mái nhà.
Gần đây ĐMT lắp trên mái nhà rất được các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp, thậm chí là nhiều người dân, rất quan tâm. Nếu có điều kiện, họ có thể lắp đặt với một kinh phí không phải quá lớn nhưng có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
Thứ trưởng Hải cho biết, điều thuận lợi cho việc phát triển ĐMT là phát triển điện mái nhà vì không tác động nhiều đến qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Bởi sử dụng đất thì phải có ý kiến qui hoạch nhưng có những công trình có thể tận dụng để lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà. Đây là một điều hết sức thuận lợi và được khuyến khích.
Chính vì vậy trong thời gian vừa qua, ĐMT phát triển tương đối nhanh. Tính đến thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy ĐMT vận hành với tổng công suất 5.053 MW và hiện nay có 11 nhà máy điện gió hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối.
Theo đó, tổng công suất điện gió, ĐMT và điện sinh khối của cả nước đã lên đến 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn điện của hệ thống.
"Tôi nghĩ rằng đây là điều đáng mừng nếu chúng ta phát triển đúng hướng khi chúng ta không phát triển thêm được nữa về nhiệt điện mà đi vào điện mặt trời", ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, vừa qua, dù ĐMT mái nhà có nhiều ưu điểm, nhưng có sự hiểu và diễn đạt chưa đúng ở nhiều địa phương, thậm chí là các doanh nghiệp, liên quan đến Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 18 của Bộ Công Thương.
"Quyết định 13 cũng như Thông tư 18 này đưa ra rất nhiều khuyến khích, ưu đãi đối với ĐMT như là ĐMT mái nhà. Chính vì vậy Bộ Công Thương đã dự thảo công văn và xin ý kiến của UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực VN, các nhà đầu tư và kể cả một số phương tiện thông tin đại chúng để Bộ tổng hợp các nội dung liên quan đến kiến nghị này.
Tuy nhiên, vẫn có cách hiểu khác nhau mặc dù theo quan điểm của Bộ, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18 của Bộ Công Thương đã tương đối rõ. Và nếu chúng ta thực hiện theo đúng nội dung của qui định tại hai văn bản này thì đã tương đối phù hợp và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư", ông Hải lí giải.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, hiện nay, Bộ vẫn đang tổng hợp thêm và chắc chắn trong thời gian rất ngắn nữa thôi sẽ có hướng dẫn cụ thể thêm đến từng UBND các tỉnh, thành phố và các nhà đầu tư.