Trong Báo cáo mới nhất về tình hình ngành công nghiệp ô tô của Bộ Công Thương, Bộ này cho rằng: Ngành ô tô đã đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu. Đồng thời tạo ra việc làm trực tiếp cho hơn 120.000 lao động.
Cùng với đó, tính đến năm 2016, ngành sản xuất ô tô Việt Nam có khoảng 173 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp. Trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô VN vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. (Ảnh: Internet) |
“Tuy nhiên, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra”- Bộ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh thừa nhận.
Bên cạnh việc không xây dựng được ngành công nghiệp ô tô, giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng nói trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, giá xe ở mức cao là do thuế và phí của nước ta cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp, các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế.
“Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu. Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất- lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn”-người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nhận định quy luật phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới từ trước đến nay là bảo vệ thị trường một cách hợp lý để được chuyển giao công nghệ. Bắt đầu từ lắp ráp để qua đó phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cho sản phẩm ô tô.
“Để tồn tại và phát triển, bản thân các công ty ô tô trong nước cũng phải tăng sức cạnh tranh, hạ giá thành. Riêng chúng tôi đặt mục tiêu giảm 5% giá thành mỗi năm, tăng tỉ lệ nội địa hóa lên” - ông Dương chia sẻ.
Đồng quan điểm như trên, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng không thể ngăn cản xu hướng xe nhập khẩu tràn vào Việt Nam với giá ngày càng rẻ hơn khi mở cửa hội nhập, tháo dỡ hàng rào thuế quan.
“Năm tới, xe nhập khẩu từ ASEAN ngày càng rẻ sẽ tạo áp lực lên các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu từ các thị trường khác phải giảm theo. Khi đó người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn, hưởng lợi nhiều hơn” - TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận thất bại trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa xe dưới 9 chỗ. Bộ từng xây dựng mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Tuy nhiên đến hiện tại chỉ đạt bình quân 7-10%.
Ngay cả tỷ lệ nội địa hóa của một doanh nghiệp hàng đầu vẫn thấp hơn mục tiêu. Cụ thể, Trường Hải (Thaco) đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% (đối với riêng dòng xe Innova)…
Các sản phẩm đã được nội địa hóa vẫn mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Giá trị linh kiện nhập khẩu hàng năm của các doanh nghiệp lên tới 2-3,5 tỷ USD, là con số rất lớn.
Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.
" Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Do đó, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó cạnh tranh với thị trường khu vực, đặc biệt khi khu vực thương mại tự do ASEAN-AFTA có hiệu lực"- Bộ Công Thương cảnh báo.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu của ngành công nghiêp ô tô là hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 40% vào giai đoạn 2020-2021, Bộ Công Thương cho biết vẫn sẽ kiên trì mục tiêu phát triển ngành này. Bộ đã thành lập một tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ôtô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới.
Cụ thể, sau khi tổ công tác liên ngành làm việc với doanh nghiệp đã xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng đơn vị trong giai đoạn 2018 - 2020. Cùng với đó, sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.
Ngoài ra, nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô cũng đang khẩn trương xây dựng, nhằm quy định điều kiện cụ thể về ngành này với mục tiêu là nhằm đảm bảo thị trường ôtô phát triển bền vững, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ cũng đang nghiên cứu, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi ôtô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.
Năm 2015, lần đầu tiên sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tăng 51% so với năm 2014. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…