Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản thông báo ý kiến thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục dân dụng khu mặt đất Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.
Hồi tháng 3/2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình gửi Bộ GTVT, về việc thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở hạng mục của dự án này.
Bộ GTVT chỉ ra một số công trình có sự khác nhau giữa quy hoạch đã được phê duyệt và hồ sơ thiết kế cơ sở. (Ảnh: Phối cảnh cảng hàng không Phan Thiết - Báo GT)
Văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ kí, cho biết sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cục hàng không Việt Nam… Bộ GTVT cho rằng hồ sơ điều chỉnh thiết kế cơ sở của tỉnh Bình Thuận cơ bản đủ điều kiện để thực hiện thẩm định.
Các hạng mục công trình cơ bản phù hợp hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt năm 2018.
Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ ra một số công trình có sự khác nhau giữa quy hoạch đã được phê duyệt và hồ sơ thiết kế cơ sở.
Cụ thể, sân đỗ máy bay theo quy hoạch được duyệt là 454x188 m. Tuy nhiên, sân đỗ theo thiết kế 455x176 m.
Sân đỗ ôtô theo quy hoạch được duyệt là 30.000 m2 nhưng trong thiết kế đến 37.533 m2, lớn hơn nhiều so với quy hoạch.
Với sự chênh lệch này, Bộ GTVT yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận phải rà soát và làm rõ sự khác nhau này.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng lưu ý hạng mục trạm kĩ thuật nhà ga. Bởi hạng mục này chưa được xác định trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt.
Bộ GTVT đề nghị giải thích lí do, công năng, mục đích sử dụng của hạng mục này khi bố trí tại khu đất dự trữ phát triển của nhà ga với diện tích 2.000 m2.
Về các giải pháp công nghệ, Bộ đề nghị bổ sung bản vẽ tổng mặt bằng của toàn bộ các hạng mục công trình chính thuộc Dự án, để xác định phạm vi, ranh giới đất từng khu vực, vị trí các hạng mục thành phần, làm cơ sở thiết kế đấu nối hạ tầng kĩ thuật mạng ngoài.
"Đề nghị bổ sung bản vẽ phối cảnh thuyết minh phương án kiến trúc hạng mục công trình có ảnh hưởng đến kiến trúc của cảng hàng không, như nhà ga hành khách, đài kiểm soát không lưu, để so sánh, lựa chọn phương án thiết kế tối ưu", văn bản của Bộ GTVT cho biết.
Nhà điều hành Sân bay Phan Thiết được xây dựng khi khởi công, nay đã bỏ hoang. (Ảnh: Thanh Niên).
Ngoài ra, theo quy hoạch chi tiết được duyệt, Cảng hàng không Phan Thiết có chức năng làm cảng nội địa có hoạt động bay quốc tế.
Hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở có phân chia giai đoạn 1 phục vụ các chuyến bay quốc nội, giai đoạn 2 phục vụ các chuyến bay quốc nội và quốc tế.
Tuy nhiên, thuyết minh thiết kế không xác định lộ trình đầu tư từng giai đoạn, ảnh hưởng việc xác định tổng mức đầu tư, quy mô đầu tư và bố trí dây chuyền khai thác của nhà ga.
Bộ đề nghị xem xét lại việc tính toán quy mô diện tích của nhà ga phù hợp công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Đồng thời, xem xét thống nhất lại các thông số tính toán phục vụ thiết kế nhà ga, như diện tích sàn yêu cầu, số lượng quầy, băng chuyền… giữa bảng tính toán, bảng tổng hợp và hồ sơ bản vẽ.
Yêu cầu bổ sung các phòng chức năng như phòng trực ban an ninh, phòng xử lí vi phạm của lực lược kiểm soát an ninh hàng không, phòng trực của Cảng vụ hàng không, phòng đặt màn hình giám sát an ninh hàng không bằng camera…
Bộ GTVT cho biết dự án sau khi điều chỉnh có quy mô lớn hơn so với ban đầu, nên tiêu chí đánh giá cũng như năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư có thể không còn phù hợp với quy mô dự án. Vì vậy, Bộ yêu cầu tỉnh Bình Thuận xem xét, đánh giá lại năng lực của nhà đầu tư.
"Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm định nêu trên, làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định", văn bản của Bộ GTVT cho biết.
Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, thuộc dự án nhóm A, do UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư.
Địa điểm xây dựng nằm tại xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Công ty CP Rạng Đông là nhà đầu tư của dự án này. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.178 tỉ đồng.
Nguồn vốn do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí. Thời hạn thu phí hoàn vốn dự kiến không quá 77 năm 7 tháng.
Thời gian dự kiến thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết kéo dài trong 2 năm.