Bộ GTVT đưa ra 12 nguyên nhân khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn

Bộ GTVT đưa ra 12 nguyên nhân khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

IMG_5145

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa rõ ngày khai thác. (Ảnh: Di Linh).

Cử tri Hà Nội có kiến nghị gửi tới Kì họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đề nghị làm rõ nguyên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lí nghiêm đối với các dự án kéo dài thời gian, đội vốn như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và sớm đưa tuyến đường sắt này vào sử dụng.

Trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết đây là dự án đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung kí ngày 30/5/2008.

Trong đó, dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện.

Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

DSC06673

Tàu Cát Linh - Hà Đông đã trải qua nhiều ngày chạy thử. (Ảnh: Di Linh).

7 nguyên nhân chủ quan khiến dự án chậm, tăng vốn

Về việc dự án chậm tiến động, tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cho biết có 7 nguyên nhân chủ quan.

Thứ nhất, thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Thứ hai, chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Thứ ba, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trang Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lí, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.

Thứ tư, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế.

Thứ năm, cách thức triển khai thực hiện dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập Hồ sơ thiết kế, Hồ sơ nghiệm thu thanh toán; trong khi đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam dẫn đến công tác quản lí điều hành của Tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập.

Thứ sáu, công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lí (Hiệp định vay bổ sung được ký từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án); Thứ bảy, các qui định và chế tài xử lí đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ.

IMG_3799

Ga đường sắt ven sông Tô Lịch. (Ảnh: Di Linh).

5 nguyên nhân khách quan

Bộ GTVT cũng đưa ra 5 nguyên nhân khách khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn.

Thứ nhất, công tác GPMB tại trung tâm thành phố Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật.

Thứ hai, do yếu tố khác biệt về qui định giữa hai quốc gia về các tiêu chuẩn kĩ thuật, qui trình, qui phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.

Thứ ba, hệ thống qui định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là qui định về tính trọn gói giữa các yếu tố kĩ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.

Thứ tư, việc mất hơn 1 năm hạn chế các hoạt động xây dựng của Tổng thầu (5/2014-2015). 

Thứ 5, lạm phát trong giai đoạn thực hiện năm 2008 (CPI là 19,9%) và giai đoạn 2010-2011 (CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%), tổng tỉ lệ lạm phát của riêng 3 năm này đã là 49,83% (ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng).

DSC06701

Đi thử tàu Cát Linh - Hà Đông ngày 20/9/2018. (Ảnh: Di Linh).

Ai chịu trách nhiệm?

Về trách nhiệm các bên liên quan, Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì Chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lí dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lí điều hành dự án.

Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; Chủ đầu tư của phần GPMB (UBND thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác GPMB; Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lí tiến độ, chất lượng, giá thành xây đựng.

Bộ này cũng cho biết thời gian qua, dù đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung Tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

IMG_5162

Kính lan can lên nhà ga đường sắt từng nhiều lần bị vỡ. (Ảnh: Di Linh).

"Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết nhằm đưa Dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan để xử lí, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC", Bộ GTVT cho hay.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.