Bộ GTVT: Đường hỏng do mưa lũ, kênh sạt lở do mật độ tàu thuyền cao

Bộ GTVT thông tin về nhiều dự án trọng điểm bị hư hỏng trước phiên chất vấn của Bộ trưởng GTVT.

Bộ GTVT: Đường hỏng do mưa lũ, kênh sạt lở do mật độ tàu thuyền cao - Ảnh 1.

QL1 đoạn qua Phú Yên hư hỏng. (Ảnh: PLO).

Phương tiện cao, mưa lũ gây hỏng đường

Thời gian vừa qua, dưa luận bức xúc về việc nhiều công trình giao thông trọng điểm vừa khai thác đã xuống cấp, chất lượng chưa tương xứng với qui mô, tiền đầu tư.

Cụ thể, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau hơn một năm đưa vào khai thác 65 km đầu tuyến thuộc đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ (từ ngày 02/8/2017), khoảng cuối tháng 9/2018 đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 3cm với tổng diện tích hư hỏng (ổ gà) khoảng 70m2/3,1 triệu m2.

Theo Bộ GTVT, những hư hỏng này đã được các đơn vị kiểm tra có Biên bản hiện trường và báo cáo ban quản lí dự án.

Tuy nhiên, công tác sửa chữa và phân làn giao thông chưa được thực hiện kịp thời, triệt để đã phát sinh xuống lớp bê tông nhựa phía dưới tạo ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

"Mặt khác, công tác cung cấp thông tin cho báo chí chưa đầy đủ, kịp thời đã gây dư luận xã hội không tốt", Bộ GTVT cho hay.

Được biết, với dự án này, đến ngày 17/10/2018 đã khắc phục các hư hỏng mặt đường đã được sửa chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Đáng chú ý là cũng tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các công trình cầu, cống chui dân sinh khoảng 46 vị trí/426 tổng số cầu, cống còn có khiếm khuyết.

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân là do nước mưa thấm xuống dưới qua khe hở 2cm giữa hai đơn nguyên cầu và lan vào cánh dầm; một số cầu có rêu bám ở mố, trụ do nước mưa thấm xuống khi chưa hoàn thành khe co giãn.

Bên cạnh đó, một số cầu do hư hỏng ống thoát nước, xô lệch phễu thu nước; tại một số cống chui dân sinh, do tấm ngăn nước giữa hai đốt cống bị xô lệch trong quá trình đổ bê tông và do chưa hoàn thiện khe nối đúng yêu cầu (cắt mạch và chèn ma tít).

"Hiện tại, các khiếm khuyết về chất lượng công trình cầu, cống chui dân sinh đã được nhà thầu sửa chữa, khắc phục", Bộ GTVT thông tin.

Ngoài ra, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng có một số vấn đề về mái ta luy nền đường taluy bị sạt trượt sau khi mưa to, lớp cỏ bảo vệ mái taluy chưa kịp phát triển.

Theo Bộ GTVT, đến nay, các nhà thầu đã khắc phục, hoàn thiện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Đối với đường QL1 đoạn qua Phú Yên, Bình Định, Bộ GTVT cho biết việc khai thác công trình với mật độ, lưu lượng, tải trọng lớn trên tuyến trong điều kiện mưa, lũ ngập lụt thường xuyên đã gây nên tình trạng hư hỏng mặt đường.

Bộ GTVT cho biết đã quyết liệt chỉ đạo ban quản lí dự án, nhà đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghĩa vụ bảo hành, cơ bản hoàn thành công tác khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.

Đối với vụ nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 cầu Vàm Cống, Bộ GTVT cho biết nguyên nhân nứt dầm ngang do sự kết hợp của các nhóm nguyên nhân gồm ứng suất tập trung, ứng suất dư và chất lượng đường hàn tại vị trí nứt.

"Theo kết quả nghiên cứu của tư vấn độc lập quốc tế, việc xảy ra vết nứt là rất hiếm gặp (với xác xuất rất thấp) và chỉ xảy ra khi có sự xuất hiện đồng thời cùng lúc của nhiều nguyên nhân, tại cùng một vị trí.

Do cầu Vàm Cống là công trình cầu dây văng có khẩu độ lớn, kết cấu phức tạp nên việc nghiên cứu giải pháp khắc phục được tiến hành thận trọng, khắc phục toàn bộ các nguyên nhân và an toàn trong quá trình thi công; đồng thời, quá trình thi công phải tuân thủ chặt chẽ đúng trình tự nên việc xử lý khắc phục mất nhiều thời gian", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT: Đường hỏng do mưa lũ, kênh sạt lở do mật độ tàu thuyền cao - Ảnh 2.

Cảnh sạt lở ở kênh Chợ Gạo. (Ảnh: Báo Nông nghiệp).

Mật độ tàu thuyền tăng cao gây xói lở

Với dự án kênh Chợ Gạo, Bộ GTVT cho biết dự án này được phân kì đầu tư làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 của dự án được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2015 đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt; giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được triển khai do gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

"Sau khi bàn giao đưa vào khai thác Giai đoạn 1, mật độ tàu, thuyền tăng cao, tuyến đường thủy này đến nay đã quá tải và xảy ra ùn tắc trong thời gian cao điểm, đồng thời gây xói lở bờ, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân hai bên bờ kênh", Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ này, với việc sạt lở như trên, giải pháp tạm thời trước mắt đã được địa phương thực hiện như kè một số đoạn sạt lở nghiêm trọng bằng kết cấu hàng cừ tràm kết hợp với đất đắp.

Bộ cũng cho biết việc đầu tư dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - Giai đoạn 2 là rất cần thiết và cấp bách.

Với dự án Luồng sông Hậu, theo Bộ GTVT, tổng thể dự án gồm các hạng mục xây lắp nạo vét luồng, đê chắn sóng, kè bảo vệ bờ trên kênh Quan Chánh Bố, đường dân sinh, 2 khu nước tránh tàu và một số công trình phục vụ quản lý, khai thác.

"Do nguồn kinh phí bố trí để thực hiện đầu tư đồng bộ các hạng mục xây lắp không đủ, dẫn đến việc phải lựa chọn những hạng mục quan trọng, ưu tiên đầu tư trước.

Trong đó hạng mục kè bảo vệ bờ trên kênh Quan Chánh Bố cũng phải lựa chọn những đoạn xung yếu đầu tư trong giai đoạn bố trí vốn đợt 1.

Sau khi bàn giao đưa vào khai thác tuyến luồng, các tàu thuyền lớn di chuyển trên luồng tạo ra sóng tác động vào bờ, biên độ giao động của thủy triều lớn hình thành dòng chảy mạnh, bên cạnh đó là việc biến đổi khí hậu những năm gần đây, cùng việc một số đoạn chưa có kết cấu kè bảo vệ bờ, nền địa chất yếu nên đã xảy ra hiện tượng sạt lở trên một số đoạn", Bộ thông tin.

Được biết, vị trí sạt lở một số đoạn vượt qua ranh giới đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1.

Trước mắt, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương thực hiện đền bù thỏa đáng cho các hộ bị ảnh hưởng.

Bộ GTVT có giải pháp gì?

Theo Bộ GTVT, về việc khắc phục vấn đề chất lượng công trình giao thông trọng điểm, thời gian tới, Bộ này tiếp tục hoàn thiện vấn đề hệ thống pháp luật đầu tư, xây dựng, đấu thầu...

Vị cũng cũng cho biết sẽ nâng cao kỉ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án, gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể đối với kết quả, hiệu quả thực hiện các dự án.

Kiên quyết loại bỏ, xử lí nghiêm các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, theo Bộ này, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lí tiến độ, chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, Bộ GTVT đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp.

Cụ thể là tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, trực tiếp cử cán bộ tại hiện trường để phối hợp cùng các chủ đầu tư, các ban quản lí dự án đôn đốc tiến độ, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng công trình, tăng cường công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường…

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban định kì, đột xuất để chỉ đạo quyết liệt, xử lí dứt điểm ngay những vấn đề có liên quan đến tiến độ và chất lượng.

Cũng theo Bộ GTVT, bên cạnh những công trình chất lượng cao, tại một số dự án vẫn còn những khiếm khuyết về chất lượng, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do năng lực thi công và ý thức của nhà thầu, chất lượng cục bộ tại một số gói thầu còn hạn chế.

Ngoài ra, vấn đề xe quá tải, mưa lũ, biến đổi khí hậu, mật độ tàu thuyền tăng cao dẫn đến ùn tắc gây sói lở bờ trên một số kênh đường thủy cũng là những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến công trình giao thông.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.