Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ, Bộ GTVT giải thích do năng lực nhà đầu tư hạn chế

Bộ GTVT cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ chủ yếu do năng lực nhà đầu tư hạn chế.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ, Bộ GTVT giải thích do năng lực nhà đầu tư hạn chế - Ảnh 1.

Người dân phản đối thu phí ở BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đầu tháng 5/2019. (Ảnh: Di Linh).

Loạt dự án giao thông đường bộ chậm tiến độ

Ngày mai (4/6), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về một số nội dung của ngành.

Được biết, ông Thể đã có báo cáo về một số nội dung chất vấn trong đó có vấn đề chậm tiến độ, tăng vốn của nhiều công trình giao thông đường bộ.

Cụ thể, báo cáo của Bộ trưởng Thể cho biết từ 2017 đến 2019 có tổng cộng 5/47 dự án chậm tiến độ và chủ yếu gồm các dự án đường bộ.

Về 5 dự án đường bộ chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ trưởng GTVT cho biết đến thời điểm này có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng và 2 dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Với dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 (kế hoạch ban đầu hoàn thành cuối năm 2017; thực tế hoàn thành thông xe tháng 12/2018), vướng mắc chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ là công tác giải phóng mặt bằng chậm, địa phương liên tục báo cáo lùi tiến độ giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ dự án bị ảnh hưởng lớn.

"Thậm chí đến nay mặc dù dự án đã hoàn thành nhưng vẫn còn vướng khoảng 2km mặt bằng đường gom chưa hoàn thiện được", Bộ trưởng GTVT cho biết.

Với dự án cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng (kế hoạch ban đầu hoàn thành trong năm 2017; thực tế hoàn thành thông xe tháng 9/2018), nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ là do một số yếu tố chủ quan và khách quan như thời gian chờ lún thực tế tại một số vị trí xử lí nền đường qua vùng đất yếu kéo dài hơn so với tính toán, điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thi công.

Trong số các dự án hoàn thành, dự án tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (kế hoạch ban đầu hoàn thành trong năm 2016; thực tế hoàn thành thông xe tháng 10/2018) cũng gây xôn xao dư luận vì bị người dân phản đối thu phí.

Theo Bộ trưởng GTVT, dự án trên chậm tiến độ do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan như trong quá trình triển khai dự án có một số nội dung xử lý kĩ thuật phức tạp (điều chỉnh, xử lý hang Kast qua Đèo Bụt, xử lí giao cắt đường ống nước sạch Sông Đà....).

Cũng theo vị này, tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội chậm, đến đầu tháng 4/2018 mới hoàn thành.

Ngoài ra, doanh thu thu phí trên tuyến Quốc lộ 6 thấp làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và nguồn lực để thi công tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình; khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nhà đầu tư hạn chế...

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ, Bộ GTVT giải thích do năng lực nhà đầu tư hạn chế - Ảnh 2.

(Ảnh: Thanh niên).

Cao tốc chậm tiến độ do năng lực nhà đầu tư hạn chế

Đối với 2 dự án đang triển khai, Bộ trưởng GTVT cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (kế hoạch ban đầu hoàn thành trong năm 2018; kế hoạch điều chỉnh Quý II/2020) chậm tiến độ chủ yếu do năng lực nhà đầu tư hạn chế.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ, Bộ GTVT giải thích do năng lực nhà đầu tư hạn chế - Ảnh 3.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương. (Ảnh: Xuân Hoa/VNE).

Cụ thể là việc nhà đầu tư không hoàn thành được việc kí kết Hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng.

"Ngày 22/3/2019, Bộ GTVT đã bàn giao nhiệm vụ quyền hạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cho UBND tỉnh Tiền Giang.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ tiếp tục hỗ trợ việc chỉ đạo thực hiện dự án nếu được tỉnh đề nghị", Bộ trưởng Thể cho hay.

Đối với cao tốc Bến Lức - Long Thành (khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành trong năm 2019, tuy nhiên với tiến độ hiện tại thì khó có thể hoàn thành dự án trong năm 2019). Bộ trưởng Thể cho biết sản lượng đạt khoảng 73,92% (chậm 10,23%).

Cũng theo đại diện Bộ GTVT, các gói thầu vốn ADB chậm chủ yếu là do vướng giải phóng mặt bằng, năng lực hạn chế của một số nhà thầu cũng như năng lực điều hành của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tốt.

Các gói thầu vốn JICA (2 cầu dây văng lớn Bình Khánh và Phước Khánh) chậm do cần rà soát, điều chỉnh thiết kế của một số hạng mục để đảm bảo an toàn công trình.

Ngoài ra còn có một số khó khăn, vướng mắc do việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

"Nguy cơ dự án không hoàn thành trước thời hạn kết thúc Hiệp định khung vào ngày 14/12/2020", Bộ trưởng GTVT cho hay.

Theo vị này, trong thời gian qua, mặc dù Bộ GTVT đã phối hợp tích cực với Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án rất chậm.

Bộ GTVT đã có văn bản số 4067/BGTVT-CQLXD ngày 03/5/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đang triển khai do VEC làm chủ đầu tư và kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT - Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp để chỉ đạo các hoạt động của VEC đảm bảo hiệu quả.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.