Tỉnh Hòa Bình kết luận về đối tượng miễn giảm qua BOT Hòa Lạc - Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình đã có kết luận về đối tượng thuộc diện miễn giảm qua BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và đã đề xuất với Bộ GTVT.

Tỉnh Hòa Bình kết luận về đối tượng miễn giảm qua BOT Hòa Lạc - Hòa Bình - Ảnh 1.

Trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. (Ảnh: Di Linh).

Hòa Bình chính thức lên tiếng về việc miễn giảm

Liên quan đến việc người dân phản đối thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, ngày 23/5, chúng tôi đã có trao đổi với ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình để cập nhật thông tin.

Cụ thể, ông Bát cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có kết luận về công tác triên khai thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Ông Bát cho hay, ngày 13/5/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công an, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt nam; Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh... và phía doanh nghiệp dự án BOT.

Được biết, sau khi nghe ý kiến các bên liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kết luận: "Các đối tượng nằm trong diện được giảm mức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là phương tiện thuộc chủ sở hữu hợp pháp theo qui định".

Cụ thể, với trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ Km17+100 địa phận huyện Kỳ Sơn (trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình), đối tượng được giảm là toàn bộ phương tiện của chủ sở hữu hợp pháp theo qui định trong khu vực 5km xung quanh trạm; ưu tiên tính đến địa giới hành chính và hết địa bàn ảnh hưởng, phạm vi thôn hoặc xóm.

Được biết, kết luận trên cũng đã được UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất với Bộ GTVT bằng văn bản.

Ngoài ra, phía tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục sớm có ý kiến trả lời chính thức đề nghị của tỉnh này về việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Km42+730 tuyến QL6 (Lương Sơn, Hòa Bình) đối với xe ô tô địa phương.

Ngoài ra, Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT có văn bản làm rõ nội dung đối với việc áp dụng thực hiện mức thu tiền dịch vụ sừ dụng đường bộ giữa 2 trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và trạm trên QL6 (cùng một đối tượng nhưng có 2 mức thu khác nhau).

Về phía huyện Kỳ Sơn và Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình yêu cầu chịu trách nhiệm và tiến hành kiểm tra, rà soát các phương tiện thuộc chủ sở hữu hợp pháp theo qui định, nằm trong diện được giảm mức thu tiền dịch vu sử dụng đường bộ theo các phương án đã đưa ra.

Đối với việc người dân phản đối thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ ở trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, Công an tỉnh, Sở GTVT và địa phương có trách nhiệm đảm bảo ANTT.

Các đơn vị này cũng phải có biện pháp xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm qui định về ANTT, ATGT.

Theo ông Bùi Quang Bát, về vấn đề miễn giảm phải tuân thủ qui định, phía nhà đầu tư không có quyền. Ngoài ra, phương tiện không chính chủ trong phạm vi được miễn giảm chỉ cần chuyển về chính chủ là sẽ được hưởng miễn giảm theo qui định.

Tỉnh Hòa Bình kết luận về đối tượng miễn giảm qua BOT Hòa Lạc - Hòa Bình - Ảnh 2.

Vào một số giờ trong ngày, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình khá vắng. (Ảnh: Di Linh).

Bộ GTVT lên tiếng về đề xuất của Hòa Bình

Liên quan đến việc người dân phản đối thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ ở BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, UBND tỉnh này cũng cho biết địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, tuyên truyền vận động, giải thích để nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước.

Được biết, liên tục các ngày từ 3/5 đến ngày 9/5, hàng chục người dân cùng các phương tiện xe ô tô tập trung tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đề nghị miễn giảm.

Thậm chí, nhiều người có hành vi lăng mạ chửi bới. Trong các ngày 7,8,9/5/2019, nhiều xe ô tô và khoảng 100 người dân đã dùng phương tiện chặn 4 làn xe ô tô hai chiều rồi bỏ đi nơi khác gây ách tắc giao thông trên tuyến đường này dẫn đến phải xả trạm.

Về đề xuất của Hòa Bình, cùng ngày chúng tôi cũng có trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công.

"Các đơn vị liên quan đang xử lí kiến nghị của tỉnh Hòa Bình về BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. Quan điểm là cơ bản thống nhất đề xuất của tỉnh.

Về chủ trương chung là thống nhất nhưng cần làm rõ một số nội dung", ông Công cho biết thêm.

Đường Hòa Lạc – Hòa Bình có điểm đầu tuyến tại Km0+000 - tại ngã tư Hòa Lạc (Km17+850/QL21), điểm đầu xây dựng tại Km6+680; Điểm cuối tại Km32+367 (tương ứng Km 67+510 - Lý trình QL6, thuộc xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, TP Hòa Bình).

Đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có điểm đầu tại Km38+00; Điểm cuối tại Km70+932 (thuộc phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình).

Chiều dài là 53.4km (Gồm đường Hòa Lạc – Hòa Bình chiều dài tuyến khoảng 25,69Km; đường Quốc lộ 6 chiều dài khoảng 30,36Km).

Đường Hòa Lạc – Hòa Bình là đường đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới với Bnền/ Bmặt=12/11m, gồm: 2 làn xe cơ giới Blcg = 2x3,50m; lề gia cố Blgc = 2x2,00m có kết cấu giống kết cấu mặt đường; Bề rộng lề đất Blđ = 2x0,50m.

Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được thiết kế trên cơ sở cải tạo nâng cấp QL6 theo tiêu chuẩn đường cấp III, tuyến cơ bản bám theo đường cũ để tận dụng tối đa mặt đường & chi phí GPMB.

Thời gian thu phí hoàn vốn là 27 năm 6 tháng 9 ngày.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.