(Ảnh minh họa: Nam Định).
Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT mới có trả lời về việc các công trình giao thông do nhà nước đầu tư khi đưa vào khai thác sử dụng kém chất lượng, nhanh hư hỏng.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua các dự án xây dựng giao thông hoàn thành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các vùng, các địa phương nơi có công trình, dự án triển khai.
"Tuy nhiên, tại một số dự án, công trình khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng ở một số hạng mục hoặc bộ phận công trình làm hạn chế khả năng khai thác sử dụng của công trình", Bộ này "thừa nhận".
Đáng chú ý, về chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng.
Theo Bộ GTVT, thứ nhất, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên phải phân kì đầu tư dự án thành nhiều giai đoạn nên chưa đáp ứng được các yêu cầu sử dụng, khai thác.
Thứ hai là do công tác giải phóng mặt bằng chậm chễ, việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn cho việc triển khai thi công đồng loạt và kiểm soát chất lượng, đặc biệt tại nhiều đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu, việc bàn giao mặt bằng không kịp thời nên khó đảm bảo thời gian gia tải chờ lún.
Thứ ba là do sự tăng đột biến về lưu lượng xe và đặc biệt xe tải trọng trục nặng nằm ngoài kết quả dự báo nên ảnh hưởng tới chất lượng khai thác, sử dụng...
"Bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, còn nguyên nhân chủ quan là do nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát, chủ đầu tư còn có lúc, có nơi chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật của dự án hoặc việc lựa chọn công nghệ, giải pháp thiết kế, thi công ở một số công trình chưa thực sự phù hợp", Bộ GTVT cho biết.
(Ảnh minh họa: Nam Định)
Theo Bộ GTVT, để khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng, đơn vị này đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư kiểm tra đánh giá đúng nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục triệt để và xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia, đối với các nguyên nhân do lỗi của Nhà thầu thì Nhà thầu phải chịu hoàn toàn kinh phí khắc phục.
"Bộ GTVT luôn xác định công tác quản lí, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tiến độ trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án.
Vừa qua, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lí, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình", Bộ GTVT thông tin,
Các biện pháp được Bộ GTVT đưa ra là tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu; phân định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể tham gia dự án (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát...) trong quá trình thực hiện đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện từ khâu lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế đến thi công xây lắp.
Rà soát, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh văn bản qui phạm pháp luật và chế độ chính sách để tăng cường công tác quản lý chất lượng và công tác lựa chọn nhà thầu.
Rà soát, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ mới... đảm bảo thực hiện có chất lượng từ giai đoạn lập dự án đầu tư, khảo sát thiết kế đến giai đoạn thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát quản lý chất lượng, góp phần đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án.
Ban hành các quy định đánh giá kết quả thực hiện và xếp hạng, phân loại các chủ thể tham gia quá trình thực hiện các dự án để tiến hành thực hiện nghiêm túc, khách quan công tác đánh giá, xếp loại các chủ thể làm căn cứ để lựa chọn các đơn vị tham gia thực hiện dự án.
Chủ động kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm.
Tăng cường công tác kiểm định, giám định chất lượng tại các dự án có nghi ngờ về chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đảm bảo chất lượng công trình.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT cho biết đã có các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện đúng quy định.
Tuy nhiên, Bộ này cho biết một số gói thầu phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng đo vướng mắc, chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến việc huy động, bố trí nhân sự, thiết bị của nhà thầu khi thi công xây dựng công trình, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công xây dựng.
Gần đây nhất, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư hư hỏng khiến dư luận bức xúc.
Cụ thể, sau 14 tháng đưa vào khai thác, tại đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đã xuất hiện hư hỏng cục bộ mặt đường với diện tích hư hỏng (ổ gà tại lớp bê tông nhựa tạo nhám) khoảng 70m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường.
Bên cạnh đó, một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột; một số vị trí mái ta luy bị xói lở do Nhà thầu chưa hoàn thiện công tác trồng cỏ và gia cố mái bằng đá hộc xây vữa xi măng.