(Ảnh minh họa: Di Linh).
Theo Bộ GTVT, những năm gần đây do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực đường sắt còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung thực hiện một số dự án để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó khả năng thu hút đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa để phát triển đường sắt chưa được các nhà đầu tư quan tâm do lợi thế thương mại thấp.
Đồng thời, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng hàng năm để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có cũng không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế (chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu) nên kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam đang trong tình trạng yếu kém, lạc hậu.
Cụ thể là còn nhiều hầm yếu, cầu yếu chưa đồng nhất tải trọng; độ dốc cao, bán kính nhỏ, ray, tà vẹt nhiều chủng loại; trên tuyến có nhiều nút thắt về vận tải; hệ thống tín hiệu, thông tin liên lạc lạc hậu; có nhiều điểm giao cắt với đường bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông…
Được biết, khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhu cầu vốn dự kiến khoảng 120.000 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn bố trí để phát triển hạ tầng giao thông nói chung, hạ tầng đường sắt nói riêng vẫn còn rất khó khăn, kế hoạch vốn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 chỉ bố trí được 1.280 tỉ đồng để thực hiện đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có (trong đó phải bố trí 634,525 tỉ đồng trả nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn ứng kế hoạch).
Với nguồn vốn bố trí hạn chế nêu trên, Bộ GTVT cho biết các mục tiêu tối thiểu theo Nghị quyết số 13-NQ/TW và Chiến lược, Qui hoạch phát triển đường sắt trong giai đoạn đến 2020 gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Bộ này, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 trong đó có chủ trương sử dụng 7.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho 4 dự án đường sắt quan trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nguồn vốn này cũng giúp từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến (từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m); tăng cường năng lực thông qua (dự kiến từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm) trên trục đường sắt Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát lại thực trạng hạ tầng kết cấu hạ tầng đường sắt, lập và phê duyệt Qui hoạch mạng lưới đường sắt để làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng vận tải đường sắt trong tương lai.
Đối với dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, Bộ GTVT cho biết ngày 14/2/2019 đã có Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
"Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước và giao tổ chức thẩm định theo quy định đối với dự án quan trọng quốc gia, Dự án sẽ được Chính phủ báo cáo các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án", Bộ GTVT cho hay.
(Ảnh minh họa: Di Linh).
Liên quan đến hoạt động vận tải đường sắt, theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT, thời gian qua, đơn vị này đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam tiếp tục rà soát các văn bản qui phạm pháp luật để tham mưu sửa đổi cho phù hợp với thực tế nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về vận chuyển hành khách, hành lí và hàng hóa bằng đường sắt.
Ngoài ra, việc rà soát này cũng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và năng lực vận tải hành lí, hàng hóa.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2019, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa.
Cụ thể, đối với vận tải hành khách, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục cải tạo, nâng cấp toa xe và đa dạng hóa sản phẩm trong công tác vận tải hành khách.
Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh trên tàu; tăng cường đào tạo kĩ năng giao tiếp, kĩ năng phục vụ cho đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu.
Tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới ga, cải tiến thủ tục bán vé bằng nhiều hình thức linh hoạt, thuận tiện cho hành khách; thực hiện chính sách giá vé linh hoạt trong thời gian cao điểm và thấp điểm, nâng cao khả năng cạnh tranh qua giá cước...
Đối với vận tải hàng hóa. Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục chủ động phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng lợi thế của các đường sắt chuyên dùng nâng cao sản lượng vận tải...
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục cải tiến, nâng cao năng lực vận tải như cải tiến công tác điều hành tổ chức chạy tàu, áp dụng khoa học công nghệ mới vào công tác tổ chức chạy tàu.
Nâng cao năng lực phương tiện đầu máy, phương tiện toa xe khách, toa xe hàng; đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.