Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công dự án giao thông

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án, đơn vị quản lý chuyên ngành và địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Đường nối Vị Thanh (Hậu Giang) - Cần Thơ sẽ được nâng cấp, mở rộng so với hiện nay. (Ảnh: TTXVN).

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án, đơn vị quản lý chuyên ngành và Sở Giao thông Vận tải địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025 và khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để khởi công các dự án năm 2022 theo kế hoạch.

 Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay một số chủ đầu tư/Ban quản lý dự án chưa quyết liệt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt dự án đầu tư các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư; chưa hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công theo kế hoạch các dự án đã được phê duyệt dự án.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đối với các dự án khởi công mới, chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phải đẩy nhanh thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu để khởi công dự án theo kế hoạch đã cam kết.

 Các đơn vị nêu trên lập kế hoạch triển khai đối với từng dự án, làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện và điều hành tổng thể kế hoạch vốn đầu tư năm 2022; xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết tương ứng với các mốc tiến độ thực hiện cho từng công tác, hạng mục chi phí (giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn…).

Đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phải rà soát lập lại tiến độ đảm bảo tính khả thi; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm các thủ tục theo quy định (chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đánh giá tác động môi trường; mỏ vật liệu; bãi thải; hợp vốn của địa phương và Trung ương,...); hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư để phê duyệt theo tiến độ đã cam kết.

Các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo, xử lý tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải những vấn đề vượt thẩm quyền và đề xuất giải pháp xử lý.

Trong báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho thấy, theo kế hoạch, 2 tháng cuối năm 2022, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 5 dự án, hoàn thành 16 dự án.

Đối với 66 dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025, tính đến nay, 58 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, 30 dự án đã được phê duyệt đầu tư. 28 dự án còn lại, các chủ đầu tư đã lập kế hoạch điều chỉnh tiến độ trình phê duyệt dự án gồm 19 dự án dự kiến được phê duyệt trong 2 tháng cuối năm 2022 và 9 dự án dự kiến được phê duyệt đầu tư trong năm 2023.

Báo cáo kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải trong 10 tháng năm 2022, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số vốn ODA đã giải ngân được 2.991 tỷ đồng (đạt 61,3%), vốn trong nước giải ngân được 27.143 tỷ đồng, đạt 59,7% kế hoạch.

Kết quả giải ngân hết tháng 10/2022 của Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).

Theo ông  Lưu Quang Thìn, từ nay tới cuối năm, số vốn Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.