Đề xuất cơ chế thưởng với nhà thầu rút ngắn tiến độ cao tốc, sân bay, đường vành đai...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất cơ chế thưởng đối với nhà thầu rút ngắn tiến độ tại 19 công trình giao thông trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về giải ngân vốn đầu tư công.

Trong phiếu chất vấn, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tạo chất vấn, trước thực trạng việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch được giao, tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) vẫn chưa đến được đối tượng thụ hưởng, vậy Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể nào nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các CTMTQG trong những tháng còn lại của năm 2022; giải pháp căn cơ nào để nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công và đảm bảo được tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình đã đề ra đúng kế hoạch, đặc biệt là tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội còn nhiều băn khoăn và bất cập. 

Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh tính đặc thù của vốn đầu tư, đó là công tác thanh toán chỉ được đẩy mạnh thực hiện sau khi đã tích lũy được khối lượng thi công hoàn thành.

Kết thúc 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng bước sang tháng 9, chỉ trong vòng một tháng, tiến độ giải ngân tháng 9 đạt 40.920,84 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với mức giải ngân bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm là 26.528,41 tỷ đồng.

6 nhóm giải pháp của Thủ tướng

Để bảo đảm được tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án thuộc đối tượng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp:

Tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải bám sát các mục tiêu, căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu, trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội.

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập kế hoạch từ khâu lập, thẩm định, phân bổ, thông báo kế hoạch cho từng chương trình, dự án.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập kế hoạch để nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ này về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác lập kế hoạch cũng như cập nhật các chính sách, chế độ, phương pháp lập kế hoạch mới. 

Đề xuất thưởng cho nhà thầu vượt tiến độ

Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cùng doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự thảo nghị định về chế độ thưởng hợp đồng với các gói thầu giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, và một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông. 

Theo đó, 19 dự án gồm: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP HCM; các dự án xây dựng đường cao tốc giai đoạn 1 nối Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột, Biên Hoà – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng...; dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; xây dựng cảng hàng không Quốc tế Long Thành được đề nghị áp dụng cơ chế thưởng nếu doanh nghiệp làm hiệu quả, rút ngắn thời gian thi công. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu) và chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu làm nguồn thưởng. Phương thức thưởng hợp đồng là một nội dung của hợp đồng, gắn với giá trị gói thầu với cách tính (Số tiền thưởng bằng số tiền dư sau đấu thầu không tính dự phòng) x (tỷ lệ thời gian được rút ngắn) x (hệ số khuyến khích - đang đề xuất là 2).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiền thưởng phải đủ hấp dẫn với nhà thầu nên cần có hệ số khuyến khích nhằm đảm bảo trong điều kiện lý tưởng, doanh nghiệp được thưởng tối đa số tiền thưởng.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, với gói thầu của nhóm A trở lên (chủ yếu các dự án, công trình có quy mô lớn, trong đó nhóm ít nhất từ 800 tỷ đồng), tỷ lệ thời gian rút ngắn tối đa là 50%, nên ban soạn thảo đề nghị hệ số khuyến khích là 2. 

 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.