Bộ GTVT yêu cầu giám sát BOT, chống thất thoát tiền thu phí

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ triển khai đồng bộ giải pháp nhằm quản lí chặt chẽ, đúng qui định pháp luật các khoản thu - chi của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đảm bảo toàn bộ nguồn thu của dự án sau khi trừ đi các chi phí cho dự án được sử dụng ngay để hoàn trả vốn đầu tư.

Bộ GTVT yêu cầu giám sát BOT, chống thất thoát tiền thu phí - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Giám sát BOT, chống thất thoát tiền thu phí

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lí, công tác kiểm soát doanh thu với các dự án BOT giao thông.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát, kiểm tra theo định kì, đột xuất đối với công tác tổ chức và hoạt động của trạm BOT.

Được biết, Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ triển khai đồng bộ giải pháp nhằm quản lí chặt chẽ, đúng qui định pháp luật các khoản thu - chi của các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đảm bảo toàn bộ nguồn thu của dự án sau khi trừ đi các chi phí cho dự án được sử dụng ngay để hoàn trả vốn đầu tư.

"Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng cho vay vốn đầu tư dự án phục vụ công tác giám sát, kiểm tra lãi suất vay và việc sử dụng nguồn thu của nhà đầu tư", Bộ GTVT yêu cầu với Tổng cục Đường bộ.

Về phía Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT), Bộ GTVT này yêu cầu tham mưu Bộ này để làm việc với các đơn vị liên quan để xử lí các tồn tại, bất cập đối với các dự án BOT.

Bộ GTVT cũng giao Vụ Tài chính chỉ đạo các ban quản lí dự án, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành quyết toán để làm cơ sở điều chỉnh thời gian hoàn vốn.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì công trình dự án; các khoản chi phục vụ công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa và bảo trì công trình dự án được giao cho Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao Thanh tra Bộ triển khai công tác thanh tra đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT lĩnh vực đường bộ do Bộ GTVT quản lý theo kế hoạch để kịp thời phát hiện tồn tại, xử lí khắc phục.

Cũng theo Bộ GTVT, đầu năm 2019, Tổng cục Đường bộ sẽ giám sát 11 trạm BOT trên cả nước bao gồm: Phả Lại (QL 18, Bắc Ninh); Tam Nông (Phú Thọ); cầu Thái Hà (Thái Bình); Tiên Cựu (QL 10, Hải Phòng), trạm QL 38, QL 14 (đường Hồ Chí Minh) qua Đắk Nông và Đắk Lắk, Cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi, và trạm QL 1 Bình Thuận.

Bộ GTVT yêu cầu giám sát BOT, chống thất thoát tiền thu phí - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Tăng cường giám sát thu phí không dừng

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan dự án thu phí tự động không dừng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 đã áp dụng với 23 trạm/132 làn.

Về dự án thu phí tự động, Thứ trưởng Thọ yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, nhà đầu tư cần đảm bảo năng lực tài chính, nhân sự để triển khai dự án theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lí tại trạm; song song với triển khai cần phải có kiểm soát, kết nối...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tiến hành kiểm tra, giám sát công tác thu phí và doanh thu thu phí, bao gồm 5 nội dung.

Thứ nhất là giám sát việc xuất, thu hồi vé và doanh thu từng ca. Cụ thể, là giám sát số tiền lẻ nhân viên được phép mang để trả lại; Giám sát việc xuất vé của trạm BOT cho nhân viên soát vé: số vé xuất ra, loại vé, số seri.

Giám sát số vé trạm BOT thu về của từng nhân viên soát vé: số vé thu về, loại vé, số seri; Số thu ngân thực tế 1 ca của từng nhân viên sau khi trừ đi số tiền lẻ được phép mang theo; Doanh thu của ca.

Thứ hai là giám sát hoạt động hệ thống thiết bị phòng hậu kiểm. Cụ thể là việc kết nối dữ liệu của trạm BOT về trung tâm; Kiểm tra dữ liệu khi có dấu hiệu vi phạm hay do bộ phận giám sát cabin báo lên theo yêu cầu của Trưởng ca.

Kiểm tra số liệu xe qua trạm BOT, số liệu doanh thu của từng làn; Copy lưu trữ dữ liệu từng ca.

Thứ ba là giám sát soát vé bên ngoài ca bin. Cụ thể là kiểm tra, giám sát việc soát vé và mở barie theo chủng loại xe qua làn; Kiểm tra bằng hình thức đếm xe thủ công và đối chiếu với thiết bị hậu kiểm.

Ghi lại những trường hơp nhân viên soát vé thực hiện không đúng như: thanh toán không đúng mệnh giá, cho xe qua không thu tiền, trả thừa tiền để giảm doanh thu; mở cho xe không phải ưu tiên, không phải xe dùng vé tháng, quý... và báo cho Trưởng ca để kiểm tra lại tại phòng hậu kiểm.

Thứ tư là giám sát thu phí thủ công tại trạm phụ (nếu có). Cụ thể là kiểm tra, giám sát xe theo chủng loại; Hết ca lập biên bản xác định doanh thu của một ca với nhân viên soát vé; báo doanh số về Tổ để đưa vào doanh thu chung của ca.

Thứ năm là kiểm tra hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin công tác thu phí. Cụ thể là thời gian lưu trữ dữ liệu thu phí (dữ liệu SQL, dữ liệu hình ảnh; dữ liệu camera: làn, cabin, toàn cảnh).

Công bố thông tin tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy đinh của Thông tư 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 của Bộ GTVT.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.