BOT T2 Cần Thơ liên tục xả trạm: Tổng cục Đường bộ yêu cầu đếm xe từ hôm nay

Liên quan đến việc tài xế phản đối trạm BOT T2 Cần Thơ, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu đếm xe từ hôm nay.
BOT T2 Cần Thơ liên tục xả trạm: Tổng cục Đường bộ yêu cầu đếm xe từ hôm nay - Ảnh 1.

Trạm BOT T2 trên QL91 ở địa bàn TP Cần Thơ. (Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Bắt đầu đếm xe qua BOT T2 từ hôm nay

Liên quan đến việc trạm BOT T2 trên QL91 ở Cần Thơ liên tục xả trạm vì tài xế phản đối, theo thông tin chúng tôi nhận được, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn đề nghị giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại đây.

Cụ thể, về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ đối với trạm BOT T2, Tổng cục đề nghị Công ty CP đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang nghiên cứu, đề xuất phương án cho các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tổng cục cũng đề nghị tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các phương tiện thuộc diện được giảm giá đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh An Giang và TP Cần Thơ như phương án đã được duyệt.

Được biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công ty CP đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm BOT T2 đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh này. Thời gian đề nghị gửi văn bản cho Tổng cục trước ngày 5/6/2019.

Tổng cục cũng đề nghị địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động lái xe và người dân thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về an ninh, trật tự giao thông, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự, mất an toàn giao thông.

Các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của địa phương rà soát các phương tiện thuộc diện được giảm giá và phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện giảm giá như phương án đã được duyệt.

Đáng chú ý, Cục Quản lí đường bộ IV được giao chủ trì, tổ chức thực hiện kiểm tra xác định lưu lượng lưu lượng phương tiện lưu thông trên phạm vi của dự án.

Cụ thể, kiểm tra để xác định cụ thể chủng loại phương tiện, lưu lượng phương tiện qua trong ngày tại các vị trí: Nút giao Quốc lộ 80 với Quốc lộ 91 và Nút giao Quốc lộ 80 lên cầu Vàm Cống.

Thời gian kiểm tra trong 3 ngày liên tục từ ngày 25/5 đến ngày 27/5/2019; mỗi ngày tổ chức kiểm tra, đếm xe 24/24 giờ. Báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong ngày 28/5/2019.

Trạm BOT T2 hình thành như thế nào?

Theo tìm hiểu của chúng tôi dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT được triển khai phù hợp với Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long - Hợp phần A, bao gồm các tuyến Quốc lộ 53, 54, 91.

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 trên địa phận TP Cần Thơ và tỉnh An Giang có tổng mức đầu tư 2.513,545 tỉ đồng và dự kiến được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

"Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách rất khó khăn nên dự án nằm trong danh mục đình hoãn của Chính phủ", phía Bộ GTVT cho hay.

Sau đó, Bộ GTVT đã tổ chức họp với lãnh đạo tỉnh An Giang, TP Cần Thơ thống nhất phương án đầu tư dự án trên theo hình thức BOT.

Dự án này đã được Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 12/2013.

Về việc bổ sung đầu tư mở rộng, cải tạo QL91B đoạn Km0 đến Km15+793, Bộ GTVT cho biết năm 2009 đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư với số tiền là 455,604 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.

Dự án trên được hoàn thành và sử dụng từ tháng 6/2010 và sau đó đã hư hỏng, xuống cấp.

Năm 2014, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và TP Cần Thơ về phương án đầu tư QL91B.

Do ngân sách khó khăn nên Bộ này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận bổ sung mở rộng và tăng cường nền mặt đường dự án trên theo đề nghị của nhà đầu tư và TP Cần Thơ.

Về vị trí trạm BOT T2, Bộ GTVT cho biết đã nhiều lần làm việc và được HĐND, Thành ủy, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đồng thuận đặt 2 trạm trên QL91.

"Khi nghiên cứu dự án không có trạm thu phí của các Dự án đầu tư trên tuyến QL91 và các tuyến lân cận như tuyến tránh Long Xuyên, Tuyến Lộ Tẻ - Rạch sỏi, dự án cầu Vàm Cống không có trạm thu phí.

Do đó căn cứ theo ý kiến của Bộ Tài chính, để đảm bảo tính khả thi dự án, Bộ GTVT và UBND TP Cần Thơ đã thống nhất đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án trên QL91 (trạm số 1 tại Km16+905,83 và Trạm số 2 tại Km50+050) để thu phí hoàn vốn cho dự án.

Thu phí theo nguyên tắc chỉ trả phí một lần khi đi qua QL91 và QL91B để đảm bảo việc thu phí được hài hòa.

Khi thu phí có xét đến các yếu tố phân lưu khi dự án cầu Vàm Cống thành, tuyến tránh Long Xuyên dự kiến hoàn thành", Bộ GTVT cho biết.

Bộ này cũng khẳng định trạm BOT T2 nằm trong phạm vi dự án, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, được sự đồng thuận của địa phương.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.