Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air (vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, người đại diện là bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT). Sân bay căn cứ được Vinpearl Air lựa chọn là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Quy mô dự án, dự kiến năm 2020 khai thác 6 máy bay loại tầm trung/ngắn thân hẹp 150 - 220 ghế. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội máy bay đạt 30 chiếc, năm 2025 khai thác 30 chiếc.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 4.700 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỉ đồng, vốn vay và vốn huy động hợp pháp 3.400 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay chở khách trong tháng 7.2020.
Về quy mô đội máy bay, dự kiến Vinpearl Air sẽ sử dụng máy bay thân hẹp A320-220 neo và A321- hoặc B737-200 neo (6 chiếc vào năm 2020 và tăng lên 21 chiếc vào năm 2025), máy bay thân rộng B787-9 và A350-900 (3 chiếc từ năm 2022 và tăng lên 9 chiếc vào 2025).
Trong đó, trong giai đoạn đầu khai thác 2020 - 2021, hãng này dự kiến sẽ thuê khô/ướt máy bay từ 6 - 12 chiếc nhằm giải quyết bài toán ngắn hạn. Từ năm 2022 sẽ đa dạng hoá các nguồn cung máy bay và phương thức sở hữu, giai đoạn sau 2022 - 2025 ngoài thuê khô/ướt (thuê không tổ lái/có tổ lái) sẽ thuê mua và mua thuê lại.
Bộ GTVT đánh giá quy mô đội máy bay của Vinpearl Air là phù hợp. Vinpearl Air dự kiến sử dụng Nội Bài làm sân bay căn cứ và dự kiến đỗ máy bay qua đêm trong năm đầu tiên khai thác (2 máy bay) và tại các sân bay Cam Ranh, Cát Bi, Đà Nẵng và Vân Đồn (mỗi sân bay 1 máy bay).
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ GTVT tại văn bản 9424 ngày 7/10, giai đoạn sau năm 2020, Vinpearl Air cần lưu ý về việc sân bay Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ và sân bay Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ máy bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2022, để hãng có phương án bố trí đội máy bay đỗ qua đêm tại các sân bay khác cho phù hợp.
Theo phân tích tài chính của dự án, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ trong thời gian 5 năm là 22,74%, thời gian hoàn vốn 5 - 6 năm, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Song theo Bộ KH-ĐT, những đánh giá về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội của dự án mới ở mức sơ bộ, các dữ liệu đầu vào mới là giả định, việc các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất hết slot đỗ qua đêm sẽ ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của dự án, cũng như các yếu tố rủi ro khác.
Vì thế, Bộ KH-ĐT khuyến nghị Vinpearl Air cần tính kỹ về hiệu quả đầu tư dự án, trên cơ sở phân tích, dự báo đầy đủ các yếu tố có khả năng tác động tới hoạt động của dự án. Trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư, Vinpearl Air phải rà soát lại năng lực hạ tầng của sân bay căn cứ Nội Bài, xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay trong nước và quốc tế linh hoạt, bảo đảm đủ slot cho máy bay, rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn các hãng hàng không khác để xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Về khả năng góp vốn chủ sở hữu, hiện Vinpearl Air đã đảm bảo đủ 1.300 tỉ vốn điều lệ, trước đó cổ đông là Công ty cổ phần phát triển du lịch VINASIA 585 tỉ đồng, ông Phạm Khắc Phương 325 tỉ đồng, ông Hoàng Quốc Thuỷ 390 tỉ đồng. Các cổ đông trên đã chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp trong Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air cho Công ty cổ phần Vinpearl Air. Dự án cũng đã có cam kết bước đầu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) về thu xếp nguồn vốn vay.