Xưa nay Bộ loay hoay mãi với việc tuyển sinh, mỗi năm mỗi kiểu (Trong ảnh: Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016). Ảnh: Ngọc Châu. |
Thưa bà, trong hội nghị nâng cao chất lượng Đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng Bộ GD&ĐT đang giống như “Bộ thi”. Bà nghĩ sao về nhận định này của Bộ trưởng?
Bộ trưởng nói đúng một sự thật là xưa nay Bộ loay hoay mãi với việc tuyển sinh, mỗi năm mỗi kiểu, và bắt các trường phải tuân theo những quy định, hướng dẫn rất chi tiết. Mặc dù so với trước đây, đã có nhiều tiến bộ theo hướng trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các trường, nhưng vẫn còn đó cơ chế xin cho và các quy định cứng nhắc lỗi thời. Về nguyên tắc những quy định như thế dù cho có đúng và tốt cũng không thể phù hợp với tất cả các trường, vì mỗi trường có đặc điểm, sứ mạng, trọng tâm và bối cảnh khác nhau.
Nhưng chuyện quan trọng hơn không chỉ là những bất cập trong các quy định thi cử, mà còn là việc loay hoay với vấn đề thi cử đã khiến Bộ không tập trung vào vai trò cốt lõi của mình, đó là xây dựng chính sách dựa trên phân tích dữ liệu.
Theo bà, Bộ GĐ&ĐT phải làm thế nào để đúng với vai trò quản lý nhà nước mà không làm thay công việc của các trường như hiện nay?
Mấy chục năm sống trong nền kinh tế tập trung khiến chúng ta có thói quen đồng nhất “quản lý” với “kiểm soát”, và cụ thể hơn nữa là “xin cho”. Làm chính sách được hiểu là quy định những gì được phép làm, và những gì không quản được thì cấm. Tư duy đó có thể thích hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng không thích hợp với cơ chế thị trường, vốn dựa trên tự do cạnh tranh và đòi hỏi sự năng động.
Trong lĩnh vực giáo dục, cách làm chính sách của Bộ GD&ĐT cũng không ra ngoài khuôn khổ đó. Vì lẽ đó mà văn bản pháp luật thường phải quy định rất cụ thể, chi li, để bao quát được mọi tình huống thực tế. Kết quả là, cho dù có dựa trên những quan điểm đúng đắn, tiến bộ đi chăng nữa, thì các quy định ấy luôn có khả năng rất cao rơi vào chỗ bất cập. Đó là chúng ta chưa nói tới sự chi phối của các nhóm lợi ích.
“Thay vì can thiệp vào công việc của từng trường, Bộ cần đòi hỏi trách nhiệm giải trình của các trường trước người học, trước công chúng và xã hội nói chung. Trách nhiệm giải trình phải có một cơ chế để được thực hiện, chứ không nên chỉ là những lời kêu gọi suông hay dừng lại ở chủ trương”. TS Phạm Thị Ly |
Đáng lẽ, việc làm chính sách phải dựa trên lối tư duy khác: tạo ra một công cụ điều tiết để khích lệ những hành động nhà nước mong muốn, và hạn chế những hành động không phù hợp với lợi ích công. Ví dụ, cấp ngân sách dựa trên kết quả hoạt động thay vì dựa trên số sinh viên đầu vào. Cấp ngân sách dựa trên đầu vào như cách chúng ta làm từ trước đến nay sẽ tạo ra động lực để các trường tuyển sinh nhiều hơn, nhờ vậy mở rộng cơ hội vào ĐH cho nhiều người. Nhưng hiện nay giai đoạn tăng trưởng nóng về số lượng đã qua. Bây giờ là lúc đầu tư thực sự cho chất lượng. Cấp ngân sách dựa trên đầu ra sẽ giúp các trường tập trung nhiều hơn cho chất lượng. Tất nhiên, hiệu quả của việc này đến đâu còn tùy thuộc vào chỗ chúng ta định nghĩa “kết quả đầu ra” như thế nào, và đo lường nó bằng những thước đo có đáng tin cậy hay không.
Ngoài vai trò điều tiết bằng các chính sách phù hợp, Bộ cần tập trung cho hai việc mà không ai làm thay được, đó là thống kê dữ liệu giáo dục và tăng cường truyền thông tích cực. Thống kê giáo dục là để làm cơ sở xây dựng chính sách. Còn truyền thông tích cực không phải là nói tốt cho cái không tốt, mà là cung cấp đầy đủ thông tin nhiều chiều để công chúng có hiểu biết đúng đắn về những vấn đề quan trọng của giáo dục. Ví dụ, vấn đề xếp hạng ĐH. Cần phải giúp công chúng hiểu nhiều hơn về bản chất, ý nghĩa, những hạn chế của các kết quả xếp hạng, để họ có cái nhìn đúng mực về các kết quả xếp hạng và giúp các trường tránh áp lực chạy theo thành tích bề ngoài.
Việc Bộ làm thay công việc của các trường như hiện nay, theo bà, sẽ có những tác động như thế nào đối với nền giáo dục?
Bộ làm thay công việc của các trường, thì ai làm thay công việc của Bộ đây? Bộ can thiệp sâu vào những việc lẽ ra nên để các trường tự chủ, thì sẽ làm giảm sự năng động và khả năng thích ứng với thị trường của họ. Trong lúc đó, nếu không có vai trò điều tiết một cách tích cực của quản lý nhà nước, chúng ta sẽ thấy một thứ thị trường giáo dục hoang dã, trong đó người học có thể chỉ là những khách hàng ngu ngơ, bởi vì bản chất của thị trường giáo dục vốn là bất đối xứng thông tin. Thay vì can thiệp vào công việc của từng trường, Bộ cần đòi hỏi trách nhiệm giải trình của các trường trước người học, trước công chúng và xã hội nói chung. Trách nhiệm giải trình phải có một cơ chế để được thực hiện, chứ không nên chỉ là những lời kêu gọi suông hay dừng lại ở chủ trương. Đó là một trong những điều quan trọng nhất Bộ cần làm để bảo vệ người học và bảo vệ lợi ích chung của xã hội.
Xin cảm ơn bà.
(Còn nữa)