Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các chính sách ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 như việc giãn cách xã hội hay đóng cửa các dịch vụ kinh doanh ăn uống.
Cùng lúc đó, diện tích hồ tiêu trồng từ năm 2016 – 2017 ở các nước sản xuất lớn hiện đã đến thời điểm cho sản lượng cao. Sự mất cân bằng cung-cầu vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm giá tiêu trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá hạt tiêu biến động theo 2 chu kì, giảm trong quí I nhưng tăng trong quí II do nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra.
Do đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo trong thời gian tới, giá tiêu khó có khả năng tăng mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và đang có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại tại nhiều thị trường tiêu thụ tiêu lớn như Mỹ và EU.
Dự báo này trái với nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra trước đó. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tích trữ lúc giá ở mức thấp.
Về dài hạn, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ được hỗ trợ khi sản lượng ở hầu hết các nước sản xuất lớn đều giảm mạnh, trong đó có Việt Nam.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam vụ mùa năm 2020 giảm khoảng 15% so với năm 2019, xuống còn 240.000 tấn.
Dự báo vụ mùa năm 2021 sản lượng hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm do người dân không đầu tư chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất.
Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 6 năm 2020 ước đạt 22 nghìn tấn với giá trị đạt 48 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 168 nghìn tấn và 358 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và giảm mạnh tới gần 21% so với cùng kì năm 2019.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: "Giai đoạn tháng 5 và tháng 6 doanh nghiệp gần như không có đơn hàng mới. Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu coi thất nghiệp.
Thị trường dường như đã mất tính thanh khoản bởi nhu cầu quá thấp. Thậm chí khách hàng không thèm trả giá bởi họ không có nhu cầu".
Ông Hiên cho biệt sẻ thời điểm giá tiêu Việt Nam tăng cao, các doanh nghiệp của Brazil chớp cơ hội để chào bán với khách hàng với giá thấp hơn. Đặc biệt, năm nay Brazil rất "sẵn hàng".