Bỏ Quĩ Bình ổn giá xăng dầu: Chưa chắc tự làm tự ăn là sẽ tốt

Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc bỏ Quĩ Bình ổn sẽ có lợi cho người dân khi có quyền chọn mua với giá rẻ hơn. Ngược lại, các DN kinh doanh xăng dầu sẽ khó tồn tại nếu không dự đoán được diễn biến giá các mặt hàng này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Bỏ Quĩ Bình ổn giá xăng dầu để "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"

Trước những băn khoăn về giá xăng "tăng sốc" trong kì điều hành ngày 2/4 trong khi mặt hàng dầu diesel xu hướng thế giới là giảm, thuế nhập khẩu bình quân giảm nhưng giá xăng dầu điều hành trong nước lại tăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, phải quay lại cả kì điều hành ngày 18/3 mới đúng bản chất.

Cụ thể, để giữ được giá xăng dầu kì điều hành ngày 18/3, quĩ bình ổn đã chi 2.800 đồng/ lít xăng E5RON92, 2.000 đối với RON95, dầu diesel và hoả xả quĩ hơn 1.000 đồng/lít theo chỉ đạo của Chính phủ để tránh tác động chồng chéo do giá điện sẽ tăng từ ngày 20/3.

Bỏ Quĩ Bình ổn giá xăng dầu: Chưa chắc tự làm tự ăn là sẽ tốt - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng, nếu kì điều chỉnh ngày 2/4 không tăng giá xăng dầu thì vẫn phải bù hơn 2.000 - 2.800 đồng/lít với các mặt hàng xăng và hơn 1.000 đồng/lít với dầu diesel dù giá thế giới giảm 0,17%. 

Theo ông Hải, ngân sách không bỏ ra để can thiệp vào xăng dầu. "Không có Quĩ Bình ổn thì cứ cong ăn cong thẳng ăn thẳng, giá thế giới tăng thì tăng, giảm thì giảm", lãnh đạo Bộ Công thương nêu.  

Mong muốn "bỏ càng sớm càng tốt" quĩ bình ổn giá xăng dầu song ông Hải cũng cho biết: "Trong cuộc họp gần đây nhất, Chính phủ đã đưa ra bàn và thống nhất hiện nay khi Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường nên vẫn cần vai trò quản lí nhà nước".

Bỏ Quĩ Bình ổn xăng dầu: Chưa phải thời điểm thích hợp

Trao đổi về Quĩ Bình ổn giá xăng dầu, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, Nhà nước luôn coi việc quản lí xăng dầu như một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo ổn định đầu vào cho nền sản xuất.

Bỏ Quĩ Bình ổn giá xăng dầu: Chưa chắc tự làm tự ăn là sẽ tốt - Ảnh 2.

PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc bỏ Quĩ Bình ổn nên tính toán cẩn trọng. (Ảnh: Dân trí).

"Trước đây, chúng ta không sản xuất được xăng dầu mà hoàn toàn nhập khẩu nước ngoài. Việc mua bán dầu thô xăng dầu đều mua theo kì hạn, thường là từ 3 - 6 tháng hoặc một năm. Kì hạn càng dài thì giá có thể càng tốt nhưng tính phức tạp lại càng nhiều, vì giá lên xuống không đúng như dự đoán kéo theo những vẫn đề đằng sau đó", ông Thịnh nói.

Do đó, ông Thịnh cho rằng, việc hình thành Quĩ Bình ổn xăng dầu nhằm mục đích có một lượng tài chính can thiệp vào giá xăng dầu khi không chủ động được trong sản xuất.

TS. Thịnh phân tích, nếu như giá xăng dầu biến động theo đợt sóng đầu cơ, Quĩ Bình ổn sẽ là bước đệm giúp thị trường trong nước ổn định, các công ty kinh doanh xăng dầu yên tâm với mức giá ổn định. Nếu giá xăng biến tộng tăng - giảm một cách rõ rệt theo chiều hướng chung thì tác động không nhiều.

Về ý kiến bỏ Quĩ bình ổn xăng dầu, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Vài năm trở lại đây, có nhiều ý kiến bỏ quĩ này. Tuy nhiên, việc bỏ Quĩ Bình ổn sẽ tác động đến nền kinh tế cũng như thị trường xăng dầu nên phải cẩn trọng".

Ông Thịnh lí giải: "Mặc dù chúng ta có chế biến, sản xuất được dầu nhưng về lượng chưa ổn định. Giá dầu cũng không thể tự quyết định mà vẫn lên xuống theo thị trường. Thêm vào đó, thói quen mua bán dầu theo kì hạn hay đầu cơ dùng mánh lới thúc giá dầu lên - xuống vẫn diễn ra".

Bỏ Quĩ Bình ổn giá xăng dầu: Chưa chắc tự làm tự ăn là sẽ tốt - Ảnh 3.

Bỏ Quĩ Bình ổn khi chưa tính toán kĩ lưỡng sẽ tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế. (Ảnh: PLO).

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ông Đinh Trọng Thịnh nhân định: "Nền kinh tế Việt Nam đang đi vào thị trường chứ chưa hoàn toàn".

Vị chuyên gia cho rằng, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để bỏ Quĩ Bình ổn giá bởi rất khó để đoán trước những tác động đối với các công ty, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu; dễ tạo ra cú sốc cho nền kinh tế.

Theo ông Thịnh, trước khi bỏ Quĩ Bình ổn, cần chủ động nới lỏng để nhiều DN được tham gia vào đầu mối cung cấp xăng dầu và được nhập dầu từ nước ngoài. 

Bên cạnh đó, việc cho phép sự tham gia của các DN ở các thành phần kinh tế khác nhau, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh, bán lẻ thị trường xăng dầu. Khi thị trường được nới lỏng và đi vào ổn định thì mới tiến tới bỏ Quĩ Bình ổn xăng dầu.

"Mặc dù cho rằng bỏ Quĩ Bình ổn mới đi theo thị trường nhưng chúng ta vẫn chưa thể thực hiện ngay được. Việc bỏ quĩ bình ổn cần phải xem xét thời điểm thích hợp để đảm bảo không tác động mạnh tới thị trường", ông Thịnh cân nhắc.

Ai được lợi khi bỏ Quĩ Bình ổn giá xăng dầu?

PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc bỏ Quĩ Bình ổn sẽ có lợi cho người dân.

"Không còn Quĩ Bình ổn, giá xăng lên - xuống theo thị trường và thị trường xăng dầu sẽ có nhiều nguồn cung cấp. Từ đó, nhiều DN bán lẻ sẽ cạnh tranh để thu hút khách hàng, do đó người tiêu dùng được lợi nhất khi có quyền chọn mua giá rẻ hơn", ông Thịnh phân tích.

Thêm vào đó, việc tạo ra mạng lưới kinh doanh rộng khắp sẽ tăng tính cạnh tranh, giá xăng dầu sẽ sát với thực tiễn thị trường giúp người mua có lợi nhất định.

Xét ở nhiều phương án, tốt hơn vẫn nên có quĩ bình ổn giá xăng dầu bởi nó đặc biệt phù hợp với những thị trường như VN. Quĩ này sẽ là yếu tố tốt để đảm bảo thị trường hoạt động có hiệu quả.

PGS - TS Đinh Trọng Thịnh

Với người kinh doanh "lời ăn lỗ chịu", ông Thịnh cho hay, người bán sẽ được quyền định đoạt giá của các mặt hàng xăng dầu theo thị trường thế giới. Từ đó, vị thế và vai  trò của người kinh doanh xăng dầu sẽ được đặt đúng vị trí tự quyết bán ở giá nào.

Mặc dù chủ động, nhưng vị thế của người kinh doanh xăng dầu với thị trường cần phải thay đổi. "Hiện tại, Nhà nước quyết định và đưa ra điều chỉnh giá vào ngày, giờ cụ thể. Khi không còn sự điều chỉnh này, phải cân nhắc lấy người tiêu dùng ra làm chuẩn và phải xem mức giá đó phải cạnh tranh được với đối thủ của mình hay không?", ông Thịnh phân tích.

Ông Thịnh cũng cho rằng, nếu thả lỏng các công ty xăng dầu "bơi" trong thị trường, nhiều DN sẽ phá sản do việc mua bán xăng dầu theo kì hạn đòi hỏi sự tính toán xem xét nhiều yếu tố khác nhau như: chính trị, kinh tế, văn hóa,… của quốc gia cung cấp nguồn xăng dầu.

"Nếu dự đoán sai, DN sẽ khó tồn tại bởi hiện nay, rất ít DN làm được việc dự đoán thị trường sát hoặc gần đúng. Do đó, chưa chắc tự làm tự ăn là sẽ tốt", ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Trong kì điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 2/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng xăng E5RON92 thêm 1.377 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.484 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.219 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.127 đồng/kg.



chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.