Đường sắt Cát Linh - Hòa Đông đoạn qua đường Láng. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 4/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP HCM) có đặt vấn đề về việc các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn do nhiều nguyên nhân như năng lực hạn chế, tổng thầu yếu kém.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, với dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP HCM, Bộ có đánh giá là tư vấn trong nước, cán bộ dự án có yếu kém, tổng thầu cũng có vấn đề.
"Những dự án đường sắt đô thị khi lập, chúng ta chưa có chủ trương xin vốn. Do đó, thường chúng ta chỉ huy động doanh nghiệp trong nước lập.
Cũng giống như hiện nay, để xác lập danh mục trình Quốc hội thông qua hoàn toàn chưa có kinh phí do đó các tỉnh, nhà đầu tư cũng căn cứ vào suất đầu tư, suất công trình tương tự để lập nên. Do đó, số liệu không chuẩn.
Khi thông qua, lập dự án, tư vấn mới nghiên cứu kĩ và tạo nên giải pháp dẫn đến tăng. Thực tế các dự án đường sắt vừa qua chúng ta hầu như không lập mới. Do cán bộ ngành đường sắt hiện nay trình độ hạn chế, tư vấn hạn chế.
Do đó, khi triển khai các dự án đường sắt thường lúng túng phát sinh nhiều vấn đề", ông Thể nói.
Với các đường sắt ở Hà Nội, ông Thể cho biết, Tổng thầu Trung Quốc nằm trong Hiệp định.
"Khi chúng ta kí Hiệp định vay với Trung Quốc thì đã chỉ định tổng thầu thực hiện dự án, không phải chúng ta thi tuyển.
Qua thực hiện, chúng tôi thấy rằng Tổng thầu Trung Quốc xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành thiếu kinh nghiệm. Thi công và vận hành tàu thì hoàn toàn khác nhau.
Do đó, chúng tôi đánh giá tổng thầu thiếu kinh nghiệm. Chúng tôi đã làm việc với các bên của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, đưa dự án sớm hoạt động", ông Thể nói.
Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Thể cho biết thiết bị, hạng mục xong 99%; 1% còn lại là còn một số hạng mục nhỏ, xây lắp, phải chứng minh an toàn hệ thống.
"Chúng ta có thuê tư vấn nước ngoài đánh giá an toàn hệ thống. Nếu như thông tin của tổng thầu không chuẩn thì tư vấn không thông qua phương án an toàn hệ thống", Bộ trưởng GTVT nói.
Đáng chú ý, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) có nêu vấn đề dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh TMĐT từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỉ đồng (tăng 9.231,6 tỉ đồng, tương đương 205,27%).
"Xin hỏi Bộ trưởng vì lí do gì mà đến nay đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại", đại biểu Xuyền nói.
Theo Bộ trưởng GTVT, dự án đường sắt này phê duyệt năm 2009, vài năm sau bị trượt giá, công nghệ phát sinh... dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư.
"Với dự án này, có thực tế như vậy. Việc tăng tổng mức đầu tư, các cơ quan như kiểm toán, thanh tra, công an có thể vào cuộc làm rõ đúng sai. Đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm.
Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lí dự án đường sắt sớm vận hành dự án này", ông Thể nói.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kì vọng nâng cao vận tải công cộng. (Ảnh: Di Linh),
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tiếp tục đặt vấn đề về các dự án chậm tiến độ, chất lượng kém và đề nghị Bộ trưởng Thể làm rõ về trách nhiệm đơn vị cá nhân liên quan.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Thể cho biết dự án chậm tiến độ, đội vốn... có trách nhiệm của Bộ và nhà đầu tư.
"Chúng tôi đang tiến hành xử lí. Với dự án chậm do yếu tố khách quan, như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời.
Với dự án chậm tiến độ do nguyên nhận chủ quan có thể chuyển hồ sơ cho công an", ông Thể nói.
Ông Thể cho biết, đa số các dự án đội vốn rơi vào đường sắt đô thị với nguyên nhân là do công nghệ mới, phê duyệt đã lâu dẫn đến trươt giá.
"Chúng tôi đã điều chuyển một số Giám đốc Ban quản lí, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ thay vì hoàn thành tốt đồng thời thanh tra, xử lí cán bộ", ông Thể cho hay.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) yêu cầu Bộ trưởng phải trả lời rõ trách nhiệm của Bộ trong nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ.
Cụ thể, đại biểu Cầu cho biết không phải chỉ các dự án đường sắt đô thị đội vốn mà còn nhiều dự án khác.
Đơn cử như dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh với 6 lần điều chỉnh, tăng mức đầu tư lên 3.956 tỉ đồng; dự án thủy điện Tân Mỹ của Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần tăng 2.687 tỉ đồng...
Đại biểu tỉnh Nghệ An đề nghị trong vấn đề này cần phải quy trách nhiệm đến cùng những cá nhân nào để gây ra tình trạng thất thoát lãng phí này để xử lí nghiêm, răn đe cho những dự án sau.
Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.325 tỉ đồng, dự kiến tăng 29.937 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương theo kế hoạch hoàn thành ban đầu trong năm 2020. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.891 tỉ đồng, dự kiến tăng 21.775 tỉ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Dự án đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 32.910 tỉ đồng, dự kiến tăng 14.502 tỉ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hoàn thành ban đầu trong năm 2016. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 18.001 tỉ đồng, tăng 9.232 tỉ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 đến 2024; giai đoạn 2 từ 2012 đến 2020 đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh tiến độ thực hiện. Dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 30.427 tỷ đồng, tăng 5.602 tỉ đồng.