Bộ GTVT 'hứa' lần thứ 9 về tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vướng mắc do tổng thầu?

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Bộ GTVT hứa lần thứ 9 về tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vướng mắc do tổng thầu? - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện vẫn trong giai đoạn chạy thử. (Ảnh: Di Linh).

Sau 8 lần lỡ hẹn, Bộ GTVT 'hứa' lần 9

Liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tại lần "hứa" thứ 8, Bộ GTVT cho biết dự án sẽ khai thác thương mại vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, lời hứa này không thể thực thi.

Mới đây nhất, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: "Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang vận hành, chạy thử để tiến tới chạy thương mại trong năm 2019".

Đây có thể xem là "lời hứa" lần thứ 9 của phía Bộ GTVT về tiến độ của dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô.

"Tuy nhiên, hiện đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để đảm bảo hoàn thành chạy thương mại theo kế hoạch" - và đây là thông tin tiếp theo trong báo cáo của Bộ GTVT.

Được biết, hiện tại, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; dự án đang vận hành, chạy thử.

Theo phía Bộ GTVT dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Được biết, đối với dự án đường sắt đô thị này, các vướng mắc cụ thể tập trung ở các nhóm vấn đề như chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chúng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng…

Theo Bộ GTVT, đường sắt đô thị là dự án lớn, công nghệ phức tạp và "lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam do đó chưa có kinh nghiệm quản lí thực hiện".

Bên cạnh đó, năng lực và kinh nghiệm quản lí thực hiện của chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế.

Bộ GTVT hứa lần thứ 9 về tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Vướng mắc do tổng thầu? - Ảnh 2.

Nhiều người dân mong đợi dự án đường sắt đô thị này đi vào hoạt động. (Ảnh: Di Linh).

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư nhưng chưa xin phép

Theo báo cáo mới nhất của Kiểm toán Nhà nước, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh TMĐT từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỉ đồng (tăng 9.231,6 tỉ đồng, tương đương 205,27%).

Đáng chú ý là việc tăng tổng mức đầu tư này xảy ra khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, Dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỉ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư.

Đối với việc tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cho biết do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung.

Ngoài ra, theo Bộ này, việc tiến độ dự án kéo dài dẫn đến tổng mức đầu tư tăng do các yếu tố: biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định.

"Việc cập nhật tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo qui định mới, ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư", Bộ GTVT cho hay.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.