Tổng thầu Trung Quốc 'phá vỡ' cam kết về đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) “lỗi hẹn” do Tổng thầu Trung Quốc chưa thực hiện một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa giải quyết dứt điểm các tồn đọng và thiếu kinh nghiệm. Tổng thầu Trung Quốc không thực hiện được cam kết hoàn thành dự án trong tháng 4/2019.

Đại diện Ban Quản lý Dự án đường sắt (QLDA) cho PV Dân trí biết thông tin trên, trước tình hình Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục “lỗi hẹn” về đích.

“Bất lực” với 1% khối lượng?

Hiện nay, các hạng mục xây dựng trong Dự án đã hoàn thành 99% khối lượng; các hạng mục Thiết bị đã lắp đặt khoảng 90%, vật tư thiết bị đã nhập khẩu, chuyển đến công trường đạt khoảng 99% (chưa bao gồm thiết bị dự phòng), đã căn chỉnh đồng bộ và chạy thử được 5 chuyên ngành liên quan đến chạy tàu.

Dự án hiện còn 1% khối lượng xây dựng còn lại và các thủ tục nghiệm thu hoàn chỉnh để kết thúc dự án nhưng đều ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu tổng thể từng hạng mục và toàn dự án, gồm: lắp đặt mái che thang cuốn tại nhà ga, thoát nước ga vành đai 3, hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp đặt hoàn thiện liên hoàn nhiều hệ thống thiết bị, vận hành thử toàn bộ hệ thống…; Công tác đăng kiểm đoàn tàu mới hoàn thành 98%.

Tổng thầu Trung Quốc phá vỡ cam kết về đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể khai thác thương mại lỗi do Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)

“Đây là các vấn đề mà Tổng thầu chưa lường trước được hết khi cam kết trước Bộ Giao thông vận tải sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành Dự án tối đa 6 tháng sau khi bắt đầu công tác căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật tính từ cuối tháng 10/2018.

Mặc dù Tổng thầu đã rất nỗ lực, các cơ quan quản lý liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhưng tính đến cuối tháng 4/2019 - đã hết 6 tháng theo cam kết, vẫn chưa được Tổng thầu hoàn thành.” - đại diện Ban QLDA Đường sắt cho hay.

Theo quy định hiện hành về an toàn, khi Dự án hoàn thành toàn bộ bắt buộc phải được Tổ chức chứng nhận an toàn độc lập (Dự án này sử dụng Tư vấn quốc tế uy tín của Pháp - PV) đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống, được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.

Đồng thời, các đoàn tàu cũng phải được đăng kiểm an toàn kỹ thuật cùng với hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu. Trên cơ sở đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra, đánh giá tổng thể lần cuối và nghiệm thu Dự án trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Đại diện Ban QLDA thông tin: “Các khối lượng công việc còn lại đang được Tổng thầu thực hiện, tuy nhiên Tổng thầu chưa tập trung đầy đủ nguồn lực để giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, do chưa hoàn thành các khối lượng công việc này dẫn đến chưa thể vận hành thử toàn hệ thống theo giãn cách chạy tàu tối thiểu của thiết kế.

Quá trình thi công lắp đặt thiết bị đã có một số tồn tại, tuy không ảnh hưởng nhiều đến vận hành nhưng ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu. Hiện nay, Tổng thầu vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các tồn tại này.”.

Tổng thầu thiếu kinh nghiệm

Hiện tổ chức chứng nhận an toàn độc lập đã theo sát các hoạt động hiện trường để thu thập hồ sơ tài liệu, các chứng chỉ an toàn, thực hiện các thí nghiệm, thử nghiệm an toàn làm cơ sở đánh giá, cấp chứng nhận an toàn và đến nay đã hoàn thiện 9/13 báo cáo đánh giá.

Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp khó khăn do Tổng thầu chưa hoàn thành các công việc còn lại, chưa khắc phục hết các tồn tại.

Tổng thầu Trung Quốc phá vỡ cam kết về đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 2.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành thử nghiệm từ tháng 9/2018 với thời gian cam kết là 6 tháng (ảnh: Toàn Vũ)

Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu an toàn, chưa thực hiện được một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa vận hành thử toàn bộ hệ thống, chưa có đủ hồ sơ hệ thống quản lý an toàn vận hành dẫn đến chưa đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ an toàn hệ thống để cấp chứng nhận an toàn theo quy định. Theo kinh nghiệm thực tế của Tư vấn quốc tế tại các dự án tương tự, để khắc phục hết các vấn đề đã nêu cũng cần có thời gian nhất định.

Trong quá trình thực hiện Dự án do Tổng thầu quá chú trọng vào công tác thi công mà chưa quan tâm thích đáng đến công tác hồ sơ nghiệm thu theo quy định.

“Nguyên nhân một phần do Tổng thầu chưa có kinh nghiệm với hệ thống quy định hiện hành của Việt Nam, đặc biệt là chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hợp đồng EPC dẫn đến tình trạng có hạng mục đã thi công xong nhưng hồ sơ hoàn công chưa hoàn thiện kịp thời, việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình hoàn thành và ảnh hưởng đến thanh toán giải ngân dự án.” - đại diện Ban QLDA cho biết.

Hiện nay, Ban QLDA Đường sắt đang quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu tập trung hoàn thiện các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị còn lại, đặc biệt là hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án.

Công tác bàn giao cũng đang được thực hiện song trùng theo từng phần, hạng mục nào xong được nghiệm thu, bàn giao ngay để các bên liên quan cùng nắm bắt, tiếp cận dần dự án để chuẩn bị sẵn sàng đưa vào khai thác thương mại trong thời gian sớm nhất.

Tổng thầu Trung Quốc phá vỡ cam kết về đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 3.

Dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam nhiều lần "lỗi" hẹn do Tổng thầu Trung Quốc

Được biết, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cùng với lãnh đạo của UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo sát sao về dự án.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan liên quan phía Trung Quốc, lãnh đạo Bộ GTVT cũng làm việc với lãnh đạo Tổng thầu để đôn đốc, yêu cầu khẩn trương hoàn thành dự án.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao, bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 18.000 tỉ đồng. Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này không thực hiện được.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.