Bộ trưởng Tư pháp 'áy náy' về lương giáo viên

Ủng hộ việc xếp lương nhà giáo cao nhất bảng lương hành chính, Bộ trưởng Tư pháp bày tỏ áy náy khi đề xuất này bị rút khỏi dự luật Giáo dục. 

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long sáng 19/3, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh đặt vấn đề dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ban đầu xếp lương nhà giáo cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, khi qua thẩm định, Bộ Tư pháp lại đưa ra. Bà Minh đề nghị Bộ trưởng giải thích vì sao?

bo truong tu phap ay nay ve luong giao vien

Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: QH

Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin, Bộ Tư pháp thống nhất quan điểm với Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan xây dựng dự án Luật Giáo dục sửa đổi) là giáo viên phải được hưởng thang bảng lương cao nhất. Tuy nhiên, việc này vấp phải nhiều ý kiến.

Một số bộ đưa ra lý do là Chính phủ đang chuẩn bị đề án cải cách chính sách tiền lương. Mặt khác, lương, phụ cấp được quy định ở khá nhiều văn bản và có những nguyên tắc riêng. Nếu đưa quy định tăng lương nhà giáo vào Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ làm ảnh hưởng đến những nguyên tắc này.

"Nhưng nếu đợi đến khi có đề án cải cách chính sách tiền lương thì e rằng sẽ chậm. Bộ Tư pháp và bản thân tôi cũng áy náy về điều này", ông Long nói.

bo truong tu phap ay nay ve luong giao vien

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn. Ảnh: Giang Huy

Đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị Bộ trưởng Tư pháp nói rõ trách nhiệm khi rút dự Luật Nhà giáo ra khỏi chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018 vì cho rằng đã có Luật Viên chức. Thực tế không có luật quy định đặc thù nghề nghiệp giáo viên, vị thế nhà giáo đã bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Long cho biết Luật Nhà giáo được đặt ra từ Quốc hội khóa 13, khi có đề xuất của một số đại biểu.

"Quan điểm của tôi là phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật. Giáo viên là đội ngũ đông đảo với nhiều vấn đề cần xử lý bằng chính sách và pháp luật. Về nguyên tắc, tôi nhất trí có luật về giáo viên, nhưng phải làm rõ phạm vi điều chỉnh để tránh chồng chéo", ông Long nói.

Theo ông, hiện Việt Nam có Luật Công chức, viên chức, một số người đề xuất làm Luật Nhà văn. Nếu không thống nhất, sẽ hình thành hai trục, một là trục cắt dọc theo ngành nghề và một trục cắt ngang, gây chồng chéo.

"Hiện nay chưa thấy cơ quan nào đề nghị tiếp tục xây dựng Luật Nhà giáo. Nếu có, chúng tôi sẽ cùng Bộ Giáo dục để xây dựng luật, không chồng chéo về phạm vi với luật khác", Bộ trưởng Tư pháp cho hay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, ngày 12/3 Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nội dung tăng lương nhà giáo đã bị rút. Hai bộ Nội vụ và Tài chính đã không đồng tình với đề xuất ban đầu, với lý do Ban chỉ đạo trung ương về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương.

Hơn nữa, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương và phụ cấp vào, làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.