Bốn đề xuất giúp Việt Nam về lại quĩ đạo tăng trưởng

McKinsey nêu bật các vấn đề và giải pháp để Việt Nam duy trì sự phục hồi sau đại dịch trong dài hạn và đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để duy trì hiệu suất vượt trội

Bốn đề xuất để Việt Nam trở lại quĩ đạo tăng trưởng - Ảnh 1.

Việt Nam có đủ đầy đủ các yếu tố để duy trì hiệu suất vượt trội. (Ảnh minh họa: Cafeauto).

Trong ấn phẩm "Việt Nam cần những gì để đạt được khát vọng tăng trưởng dài hạn?" do công ty tư vấn McKinsey phát hành, nhóm tác giả đã dẫn báo cáo thực hiện năm 2019 của Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Theo đó, McKinsey cho rằng muốn thành công, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 7,0% đến 7,5% trong giai đoạn 2021 - 2030, cao hơn nhiều so với mức 6,3% trung bình của Việt Nam 10 năm trước 2018.

Nghiên cứu của McKinsey năm 2018 cho thấy, Việt Nam là một trong 11 quốc gia đạt hiệu suất vượt trội toàn cầu trong thời gian gần đây.

Theo McKinsey, Việt Nam có đủ đầy đủ các yếu tố để duy trì hiệu suất vượt trội như thu nhập khả dụng ngày càng tăng, tiếp tục đầu tư vào các dự án hạ tầng và môi trường kinh doanh hấp dẫn. 

Những thay đổi trong 4 lĩnh vực dưới đây sẽ giúp Việt Nam có thể đi vào quĩ đạo tăng trưởng cần thiết.

Xác định Việt Nam là một điểm đến quốc tế ưu việt

Trước Covid-19, Việt Nam đã là điểm hấp dẫn cho ngành sản xuất gia công và du lịch. Khi các nước đang gồng mình chống vi rút thì Việt Nam lại kiểm soát dịch ở mức khá hiệu quả. Điều này tạo ra cho Việt Nam có được một định vị tốt khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.

Nhóm tác giả của McKinsey đề xuất, các đơn vị vận hành khách sạn và du lịch sẽ cần tận dụng cơ hội khi các quốc gia dần mở cửa biên giới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phân khúc thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh du lịch nội địa để thử nghiệm các dịch vụ mới, nhưng cần giảm giá do sức chi tiêu nội địa tương đối thấp hơn.

Tái thu hút và tăng tốc vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất cũng rất quan trọng để thúc đẩy con đường tăng trưởng của Việt Nam lên mức cao hơn, đặc biệt là khi các nhà sản xuất đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đối phó những yếu kém do đại dịch gây nên.

Đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất

Theo nhóm tác giả, ba điều kiện hỗ trợ Việt Nam đi vào quĩ đạo tăng trưởng là giáo dục, năng suất lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng. 

Về giáo dục, McKinsey đề xuất Việt Nam có thể khai thác những thế mạnh nổi bật, bởi theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có thành tích học tập cao.

Bốn đề xuất để Việt Nam trở lại quĩ đạo tăng trưởng - Ảnh 2.

Việt Nam có thể khai thác những thế mạnh nổi bật trong giáo dục. (Ảnh chụp màn hình ấn phẩm của McKinsey).

Đồng thời, theo nhóm nghiên cứu, đầu tư cho giáo dục để tăng năng suất có thể nâng cao kĩ năng cho lực lượng lao động vốn dĩ bị tụt hậu và không mấy cải thiện so với các quốc gia ngang hàng trong khu vực.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động có trình độ cũng sẽ là yếu tố hấp dẫn với các nhà sản xuất muốn khám phá công nghệ của nền Công nghiệp 4.0, giúp đất nước vươn lên trong chuỗi giá trị, tiến sang các lĩnh vực có năng suất và thu nhập cao hơn.

Về cơ sở hạ tầng, nhóm chuyên gia McKinsey cho rằng, TP HCM và Hà Nội sẽ cần những khoản đầu tư đáng kể để xây dựng đường xá và sân bay do đang rơi vào tình trạng hoạt động quá mức. Tuy nhiên, việc nợ công chiếm 60% GDP sẽ là rào cản tiềm năng đối với việc tái phát triển.

Việt Nam cần tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khu vực phi chính thức

McKinsey đề xuất, Việt Nam có thể tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược khác trong nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và các công ty khởi nghiệp, để tăng khả năng phục hồi của quốc gia.

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào các DNNN hiện chiếm 1/3 GDP nhưng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác.

Bốn đề xuất để Việt Nam trở lại quĩ đạo tăng trưởng - Ảnh 3.

Việt Nam đã nổ lực giảm 90% số lượng các doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước kể từ năm 2001 nhưng khu vực này vẫn chưa được tinh gọn. (Ảnh chụp màn hình ấn phẩm của McKinsey).

Các chương trình cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo sự bền vững và đổi mới có mục tiêu được coi là nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của các DNNN trên sân nhà và thậm chí vươn xa hơn nữa ra toàn cầu.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng cần được khai phá. Việt Nam cần cung cấp nguồn tài chính cho các dự án có tiềm năng lớn và ươm mầm hiệu quả các loại hình kinh doanh tăng trưởng cao.

Khám phá các nguồn năng lượng tái tạo để giảm khí thải carbon trong phát triển

Nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam có thể đẩy nhanh hành trình tiến tới việc giảm lượng phát thải khí carbon. 

Bốn đề xuất để Việt Nam trở lại quĩ đạo tăng trưởng - Ảnh 4.

Năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển của thế giới. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn phát triển ngành này. (Ảnh minh họa: VnEconomy).

Theo đề xuất mới nhất, dự kiến than đá sẽ chiếm 37% sản lượng năng lượng tạo ra đến năm 2025 thay vì tỉ lệ bằng một nửa như kế hoạch trước đây. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25%, thay vì 13% theo đề xuất cũ. Điều này chứng tỏ các kế hoạch phát triển các nhà máy than đang bị thu hẹp đáng kể.

Nhóm nghiên cứu đề xuất Việt Nam nên xem xét cơ hội khuyến khích vốn đầu tư mới vào năng lượng tái tạo thông qua các chính sách ưu đãi mạnh mẽ và tiến hành đánh giá chi tiết năng lực lưới điện cho các dự án sản xuất điện mới, hiểu chính xác quốc gia này cần có những gì để tích hợp các loại năng lượng tái tạo.

Những đề xuất trên có thể kích hoạt lại ngành xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam và khiến mục tiêu chuyển đổi của đất nước trở lại trong tầm tay, nhóm nghiên cứu McKinsey kết luận.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...