Cả một năm đến tòa của ông chủ trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ
Năm Kỉ Hợi, báo chí tốn nhiều giấy mực cho cuộc li hôn lịch sử của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Tính riêng năm nay, đã có 4 phiên toà giải quyết li hôn cho cặp vợ chồng ngày kéo dài từ cuối tháng 2 cho đến tháng 12.
Đặc biệt, trong phiên xét xử vào tháng 2, trong lúc tranh cãi với bà Thảo, ông chủ Trung Nguyên đã thốt ra câu hỏi: "Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?". Lập tức, câu hỏi trên gây sốt trong cộng đồng doanh nhân và giới trẻ trên mạng xã hội, với nhiều bài đối đáp từ chuyên môn đến trào phúng xoay quanh câu hỏi này.
Mãi đến ngày 5/12, cuộc li hôn "nghìn tỉ" giữa vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên tạm thời khép lại sau hơn 4 năm tranh chấp. TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm quyền điều hành Trung Nguyên, với số tài sản, cổ phần tương đương 5.365 tỉ đồng. Còn bà Thảo được sở hữu vàng, tiền mặt và nhiều tài sản khác gồm bất động sản, cổ phần tại Trung Nguyên lên hơn 2.000 tỉ đồng.
Hậu li hôn, ông Nguyên Vũ mở thêm mảng mới là chuỗi cà phê nhượng quyền giá rẻ E-Coffee. Đặt mục tiêu phát triển thần tốc, với 3.000 cửa hàng vào năm sau, có ngày, chuỗi này mở liên tiếp đến 4-5 cửa hàng. Hiện tại, E-Coffee đã có mặt tại 60/63 tỉnh, thành.
Năm qua, tai tiếng bao phủ lên sự nghiệp của nhiều doanh nhân tuổi Hợi. Đến cả doanh nghiệp kín tiếng như Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng vướng phải lùm xùm. Cuối năm 2019, Cục Thuế TP HCM công bố 2.325 doanh nghiệp và cá nhân nợ thuế, trong đó, có 11 đơn vị có số nợ hơn 100 tỷ đồng. Tập đoàn Tân Tạo do bà Hoàng Yến làm Chủ tịch đứng thứ 9 trong danh sách này, với khoản nợ thuế tính tới ngày 30/11/2019 là hơn 112,1 tỉ đồng.
Thông tin này được đưa ra chỉ sau 2 tháng rộ lên tin đồn bà Yến trở lại dẫn dắt Tân Tạo sau 6 năm "mất tích". Hiện tại, tập đoàn chuyên về đầu tư phát triển hạ tầng và khu công nghiệp này đang theo đuổi chiến lược thoái vốn các dự án trong nước để dồn tiền đầu tư ủy thác vào các dự án Công nghệ cao tại Mỹ với khoảng 8 triệu USD (mức vốn đăng kí khoảng 10 triệu USD). Đây được cho là lí do 6 năm qua, bà Yến liên tục vắng họp Đại hội cổ đông Tân Tạo và chỉ xuất hiện ít ỏi qua văn bản.
Cũng vướng phải điều tiếng khi Asanzo bị "tố" mập mờ nguồn gốc, xuất xứ, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse của Shark Nguyễn Xuân Phú bị đặt nghi vấn về gian lận nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là sản phẩm nồi cơm điện. Cụ thể, tại một siêu thị, nồi cơm điện nắp liền SHD-8602, tem của siêu thị ghi thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc, trong khi trên nồi lại dán tem chứng nhận "hàng Việt Nam chất lượng cao".
Trên trang web chính thức, Sunhouse cho biết sản phẩm nồi cơm điện bị nghi ngờ, thực tế là sản phẩm Made in Việt Nam, được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse. Lỗi sai là do phía siêu thị ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá.
Về việc dán tem chứng nhận "hàng Việt Nam chất lượng cao", Shark Phú thừa nhận: "Do lỗi truyền thông nội bộ nên Sunhouse nhận giải Hàng Việt Nam chất lượng cao ngành hàng gia dụng nhưng dán nhầm sang cả nhóm nồi cơm. Việc sai này chỉ ở trong nhóm hàng nồi cơm điện… Sunhouse có lỗi với người dùng và sẽ hoàn lại tiền nếu khách hàng nào mua phải sản phẩm bị nhầm lẫn đó mà thấy bất tiện".
Ngoài sự vụ trên, năm nay, Sunhouse cũng kín tiếng trước truyền thông vì ông Nguyễn Xuân Phú không còn ngồi ghế Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa thứ 3. Chia sẻ với truyền thông, ông thừa nhận qua 2 mùa làm "cá mập", ông không đầu tư được đồng nào, vì hầu hết các startup đều bị "tô hồng" về định giá và chất lượng.
Dù là "năm tuổi" nhưng với Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, đây là năm chứng khiến bước ngoặt lớn của ông và doanh nghiệp. Nói như thể là bởi ông Bình đặt ra mục tiêu của FPT là trở thành nhà tư vấn chuyển đổi số. Và trong năm nay, kết quả kinh doanh của FPT cũng đã xoay chiều. Từ mức đóng góp 25% doanh thu năm 2017, mảng công nghệ năm 2019 đã mang về 2.000 tỉ đồng, chiếm gần một nửa doanh thu.
Tập đoàn của doanh nhân Trương Gia Bình đã đạt doanh thu năm 2019 đến 27.717 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kì, với lợi nhuận trước thuế 4.665 tỉ đồng.
Lần này, FPT không dồn lực cho mảng hạ tầng viễn thông, mảng đem lại vị thế ngày nay cho tập đoàn này. FPT hướng sự chú ý vào giải pháp phần mềm, tư vấn giải pháp tổng thể. Trong đó, chuyển đổi số được FPT ưu tiên và kì vọng hơn cả. Ông Bình nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược".
Nhiều sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ mới của tập đoàn này đã lần lượt ra đời. Mới đây, FPT kí hợp đồng bán bản quyền akaBot trong 5 năm cho thị trường Nhật. FPT cũng thâm nhập vào mảng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,… Các khách hàng lớn của tập đoàn này là Toyota, GE, Innogy SE, Carlsberg, ISE Foods, Shinhan, Schneider Electric, DPDgroup... Đặc biệt, FPT đã được Airbus chọn làm đối tác, để cùng IBM, Accenture, Capgemini, Sopra Steria tư vấn, triển khai xây dựng Skywise - nền tảng dữ liệu dành cho các hãng hàng không thế giới.
Đến năm 2021, ông Bình hướng tới mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu từ khối công nghệ, với chuyển đổi số ước góp khoảng 45% doanh thu thị trường nước ngoài.
Vận may cũng đến với CEO của SeABank Lê Thu Thủy, con gái nữ doanh Nguyễn Thị Nga. Trong mùa báo cáo tài chính trước Tết, quán quân tăng trưởng lợi nhuận năm vừa qua đang thuộc về Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với mức tăng lên tới 124%. Theo công bố từ nhà băng này, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019 ước đạt 1.391 tỉ đồng, tăng 768 tỉ đồng, tương đương 124% so với năm 2018.
Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp lợi nhuận tại ngân hàng này tăng trưởng dương. So với năm 2014, lợi nhuận của SeABank đã tăng gấp 16 lần.
Trước đó, ngân hàng này thông báo đã hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đây là ngân hàng thứ 11 trong hệ thống thông báo về việc đã mua xong toàn bộ nợ tại tại VAMC.
Thế nhưng, năm Hợi cũng quả nhiên là "năm tuổi", "năm hạn" với một vài người mang con giáp này. Điển hình là ông chủ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam Coteccons Nguyễn Bá Dương, doanh nghiệp đã thắng hàng loạt nhà thầu ngoại xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam Lanndmark 81 của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, doanh thu của Coteccons năm 2019 giảm 17% nhưng lợi nhuận giảm đến 52%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, doanh thu của Coteccons tăng trưởng âm.
Trong năm, vốn hóa thị trường của Coteccons sụt mạnh do đà giảm của giá cổ phiếu trong hai năm trở lại. Từ mức 140.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2019, giá cổ phiếu của doanh nghiệp ông Nguyễn Bá Dương có thời điểm giảm còn 49.300 đồng, bốc hơi 62% trong vòng 1 năm. Điều này khiến giá trị tài sản tính theo cổ phiếu niêm yết của ông Dương bay hơi 424 tỉ đồng, xuống còn 200 tỉ đồng.
Theo bản giải trình, các dự án bất động sản đã kí nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm của Coteccons là nguyên nhân chính của tình trạng bi đát trên. Cùng đó, khó khăn chung của ngành xây dựng cũng khiến nguồn việc ít hơn, các doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh gay gắt hơn trong giai đoạn đấu thầu.
Trong khi những doanh nhân lão làng ngụm lặn suốt năm qua, lứa doanh nhân trẻ tuổi Hợi hầu như đều có một năm thuận buồm xuôi gió.
Chồng đại gia tuổi Quý Hợi của Hà Tăng là một doanh nhân khá ấm êm trong năm qua. Cha nắm trùm bán hàng miễn thuế, phòng chờ sân bay mỗi ngày lãi gần 1,4 tỉ đồng, trong khi em trai đang chuẩn bị hốt bạc với chuỗi cửa hàng liên doanh cùng công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc SM Entertainment, sắp mở cửa tại TP HCM. Louis Nguyễn cũng có cơ ngơi riêng với Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), đơn vị chuyên kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu thực phẩm và thức ăn nhanh của nước ngoài như Burger King, Domino's Pizza, Popeyes, Dunkin'Donuts.
Có mặt trên thị trường 9 năm qua, chuỗi pizza do Louis Nguyễn làm CEO đang có 40 chi nhánh. Chồng Hà Tăng định vị đây là chuỗi pizza chú trọng đến việc "rút ngắn thời gian phục vụ từ lúc nhận đặt hàng, sản xuất và giao hàng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng".
Trong 3 năm tới, Domino's Pizza sẽ tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên con số 100. Bên cạnh Hà Nội và TP HCM, chuỗi này sẽ chú ý thêm Hải Phòng, Nha Trang và Đà Nẵng.
Cũng giữ vai trò CEO, Louis Nguyễn vừa khai trương chi nhánh thứ 27 cho chuỗi gà rán Popeyes. Doanh nhân trẻ "con nhà nòi" đang có kế hoạch mở rộng lên 40 cửa hàng trong năm tới cho chuỗi này. Mới đây, hệ thống tại Việt Nam đã nhận giải thưởng Top Operator từ Popeyes toàn cầu dành cho nhà vận hành thị trường hàng đầu tại châu Á, Thái Bình Dương.
Một doanh nhân tuổi Quý Hợi khá thành công trong năm qua là Nguyễn Hữu Tuất, CEO của ứng dụng gọi xe FastGo, trực thuộc Tập đoàn NextTech.
Năm qua, FastGo của ông Tuất đã có tương đối nhiều chính sách mới với một hãng gọi xe. Đầu tiên phải kể đến là cú bắt tay với Vingroup để cho phép tài xế sử dụng các dòng xe Vinfast cho các dịch vụ dành cho khách hàng muốn gọi các dòng xe sang, FastLux. Theo sau đó, khách hàng đặt xe đi/đến các địa điểm thuộc hệ sinh thái của Vingroup đều được nhận ưu đãi giảm giá lên tới 50% chi phí.
Mới nhất, FastGo tiếp tục ra mắt dịch vụ đưa khách từ nội thành Hà Nội tới sân bay Nội Bài với mức đồng giá 99.000 đồng/lượt khách.
Cuối năm ngoái, FastGo điểm danh tại Myanmar, qua liên doanh với tập đoàn Asia Sun Group. Ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết, mặc dù mới ra mắt dịch vụ chính thức được 2 tháng, nhưng startup này đã thu hút được 100.000 khách hàng sử dụng, với hơn 4.000 đối tác tài xế.
"FastGo được khách hàng và đối tác tài xế tại Myanmar chào đón bởi chính sách không thu phí chiết khấu và giá tốt nhất thị trường", ông Tuất tiết lộ. Theo kế hoạch, khi tạm biệt năm 2019, FastGo đã có trong tay 1 triệu khách hàng tại Myanmar với 20.000 đối tác tài xế, tiếp tục mở rộng hệ sinh thái dịch vụ FastGo, trong đó có mảng Thanh toán điện tử và Dịch vụ tài chính.
Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức về kế hoạch này, nhưng sự có mặt của FastGo tại Myanmar và Singapore đang được truyền thông nước ngoài săn đón và dành nhiều lời có cánh.
Kín tiếng hơn trong chuyện làm ăn, Shark Lê Đăng Khoa có một năm Hợi miệt mài với chuỗi cửa hàng hoa ngoại 38 Degree Flowers và hệ thống đặt hoa trực tuyến Hoa247. Trong năm, doanh nhân 37 tuổi chỉ đánh tiếng với việc rót vốn vào thương hiệu nội thất Puzzle Studio với các dự án cao cấp.
Một điều thú vị doanh nhân U40 này chia sẻ là "đã đồng ý" nối nghiệp gia đình gánh vác trách nhiệm phát triển chuỗi phân bón Ba Lá Xanh mà cha mẹ Khoa đã khởi nghiệp thành công từ thế kỉ trước.