Chưa bao giờ, môi trường đầu tư trong nước lại náo nhiệt như hiện nay. Nhìn lại các thương vụ đầu tư cho thấy điểm chung là tất cả đều vì một khát vọng: Khẳng định thương hiệu Việt, xây dựng doanh nghiệp Việt... sánh vai các nước trên thế giới.
Tháng cuối cùng của năm 2019, thị trường bán lẻ nội địa bỗng lên cơn sốt trước thông tin Vinmart - hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, sáp nhập vào công ty tiêu dùng của Masan.
Sốt cũng dễ hiểu, một bên là Vinmart của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, cái tên thống trị bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cả thập niên qua. Và cũng là người đứng đầu danh sách tỉ phú USD Việt Nam trong bảng xếp hạng tỉ phú thế giới, do tạp chí Forbes bầu chọn với tài sản gần 10 tỉ USD. Bên còn lại là Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, cũng được xếp hạng tỉ phú USD và là người giàu thứ 4 Việt Nam.
Nếu tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng được biết đến với một loạt các thương hiệu mang tên Vin "phủ sóng" từ ăn, học, giải trí, đi lại... qua câu ví von nổi tiếng "ở Vinhomes, du lịch Vinpearl, học Vinschool, chữa bệnh Vinmec, đi siêu thị Vinmart, lái xe VinFast...", thì các sản phẩm tiêu dùng nước tương, nước mắm, mì gói, thịt heo, cà phê, bia... của đại gia kín tiếng người Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang, cũng hiện diện hằng ngày trong mâm cơm của mỗi gia đình Việt.
Thực tế thì chỉ background của 2 tỉ phú USD này thôi cũng đủ gây sốt, chưa kể đến cú "bắt tay" chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện thị trường bán lẻ tiêu dùng trong nước nói trên.
Bởi ở bất kì nền kinh tế nào, hệ thống phân phối đều được coi là huyết mạch tiếp sức cho sản xuất. Điều này càng đúng với thị trường Việt Nam, nơi các thương hiệu bán lẻ ngoại vẫn đang ra sức bành trướng quy mô, ở nhiều thời điểm thậm chí chèn lấn doanh nghiệp nội. Theo chân họ là hàng Thái, Nhật, Hàn, Pháp, Mỹ... tràn ngập thị trường, o ép sản xuất trong nước.
Để các doanh nhân có thể làm việc với nhau, tôn trọng nhau, thậm chí tuân phục nhau cũng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, điều đầu tiên khi hợp tác là sự đức độ, tài năng và cái tâm của đối tác", ông Trần Bá Dương.
Đỉnh điểm là việc Big C tuyên bố dừng bán hàng may mặc Việt Nam hồi tháng 7/2019, cho thấy nếu không làm chủ được hệ thống bán lẻ thì có sản xuất, có xây dựng được thương hiệu cũng không bán được hàng, cũng mất thị trường.
Đây là lí do 5 năm trước, Vingroup đầu tư vào bán lẻ. Đến nay thì Vingroup đã "bước đầu hoàn thành sứ mệnh". Đó là xây dựng thành công Vinmart trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giành và giữ được thị phần cho người Việt, mà còn hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển.
Masan với hàng loạt sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, càng ý thức hơn hết điều này. Việc sáp nhập sẽ giúp Masan tận dụng được tối đa hệ thống Vinmart trong phân phối hàng hóa của mình, và viết tiếp sứ mệnh giữ thị trường nội địa cho hàng Việt mà Vingroup đã xây dựng thành công.
Ngày 9/9/2019, tròn 1 năm 2 thương hiệu đình đám là Thaco của ông Trần Bá Dương và Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức bắt tay hợp tác. Thương vụ tỉ USD này đã gây rúng động thị trường khi đó bởi sự kết hợp của 2 đại gia Việt lừng lẫy.
Ông Trần Bá Dương được mệnh danh là "ông trùm" xe hơi Việt, người đã làm thay đổi cục diện thị trường xe hơi nội địa bằng cuộc "lật đổ" ngôi vị số 1 của "ông lớn" Toyota, vươn lên dẫn đầu thị phần từ năm 2014 đến nay.
Đó là một kết quả gây sửng sốt cho hầu hết mọi người bởi tính đến thời điểm đó, Thaco mới chỉ có hơn 1 thập niên tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô, trong khi Toyota là một thương hiệu toàn cầu.
Không ai ngờ rằng, "soán ngôi" đế chế Toyota lại là một doanh nghiệp Việt.
Nói như ông Trần Bá Dương, "đó là sự bứt phá không hề đơn giản nhưng Thaco đã thành công".
Phía bên kia, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn được nhiều người gọi là "bầu Đức" ,vì sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai với lứa cầu thủ mang lại niềm cảm hứng ngập tràn cho người hâm mộ trong nước về tài năng, đạo đức, tri thức.
Sở hữu một trong những tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam, hơn 1 thập niên trước ông Đoàn Nguyên Đức từng giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán. Thế nhưng, việc chuyển toàn bộ từ kinh doanh bất động sản sang nông nghiệp, đã khiến tập đoàn này rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nhiều thời điểm đối mặt nguy cơ phá sản do cao su, dầu cọ mất giá.
Trong cơn bĩ cực, ông Đức tìm đến ông Dương.
Hai ông cùng nhau qua Lào, Campuchia, nơi cao su - cọ dầu của Hoàng Anh Gia Lai mà người viết như tôi năm 2013 có dịp tới thăm, chỉ có thể mô tả “cao su trồng tính bằng núi”, “cọ dầu trồng tính bằng ki lô mét”.
Đó là một ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2018, những cánh rừng cao su - cọ dầu đã được ông Đức, bằng nỗ lực phi thường, chuyển đổi một phần diện tích sang cây ăn trái. Nhưng nợ nần khiến Hoàng Anh Gia Lai không còn nguồn lực trồng tiếp dù đã chọn được hướng đi đúng.
Những cánh rừng chết vẫn lớn hơn, nợ nần vẫn đè nặng. Giây phút chứng kiến bức tranh đối lập giữa cảnh hoang tàn của cao su - cọ dầu đã lâu không được chăm sóc, và nhựa sống căng tràn của vườn cây ăn trái ngay bên cạnh, cũng là thời điểm ông Trần Bá Dương quyết định bắt tay ông Đức để hồi sinh mảnh đất này.
Từ kinh nghiệm của một người đi qua nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh, tôi cho rằng bên cạnh ý chí và nỗ lực, mình vẫn cần phải có được những người đồng hành tin cậy", ông Đoàn Nguyên Đức
Sau 1 năm, Thaco đã đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai 1 tỉ USD, đúng như cam kết. Phía Hoàng Anh Gia Lai đã trả phần lớn nợ, diện tích cây đã và đang được mở rộng, mục tiêu năm doanh thu tỉ USD đã nằm trong tầm tay.
Nhưng đó chỉ là bề nổi sau cú bắt tay giữa 2 doanh nhân hàng đầu Việt Nam. Nếu không có lòng dũng cảm, sự sẻ chia và quan trọng hơn là tầm nhìn chiến lược của ông Trần Bá Dương, Việt Nam có thể đã mất cơ hội xây dựng một doanh nghiệp sản xuất trái cây hàng đầu thế giới.
Nếu không có sự kiên nhẫn, nỗ lực phi thường và khát khao giữ công ty để tiếp tục cống hiến cho đất nước, ông Đoàn Nguyên Đức chẳng bận gì phải từ chối những lời chào mua từ không ít doanh nghiệp ngoại, rồi lao tâm khổ tứ xoay xở suốt bao nhiêu năm trời.
Cái tâm, cái tầm đưa 2 doanh nhân lớn gặp nhau. Đó mới là điều quý giá nhất.
Cuối tháng 5/2019, Nhà máy sữa NutiFood Sweden AB chính thức đi vào hoạt động tại một trang trại ở miền nam Thụy Điển. Đây là kết quả của cú bắt tay giữa tỉ phú Erik Paulsson, ông chủ Tập đoàn Backahill (Thụy Điển) và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty NutiFood - đơn vị dẫn đầu thị phần sữa đặc trị trẻ em tại Việt Nam.
Trước ngày bay qua Stockholm khai trương nhà máy, ông Trần Thanh Hải vẫn gọi đây là "cơ duyên".
Mà cơ duyên thật.
Ông Erik Paulsson là tỉ phú tự thân nổi tiếng nhất Thụy Điển. Theo Forbes, ông Erik Paulsson có tổng tài sản khoảng 1,4 tỉ USD, đứng thứ 1.867 thế giới năm 2018, và được mệnh danh là "vua bất động sản" của nước này, chẳng liên quan gì đến sữa.
Xây dựng được một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng, được tôn trọng, được đánh giá cao trên thế giới thì đó là giá trị tinh thần cho cả dân tộc chúng ta, chứ không phải riêng Vingroup", ông Phạm Nhật Vượng.
Cơ duyên là khi ông Erik Paulsson mua một khu công nghiệp rộng hơn 50 ha tại Bjuv (miền nam Thụy Điển), nơi được mệnh danh là vùng nông nghiệp tốt nhất Bắc Âu. Trong trang trại này có một nhà máy sữa do người Pháp đầu tư "vẫn chạy tốt". Con mắt của một doanh nhân lớn không bao giờ bỏ qua các cơ hội, dù là nhỏ nhất.
Tỉ phú bất động sản Thụy Điển cũng vậy, ông ngay lập tức tìm kiếm đối tác để phát triển nhà máy sữa. Ông Trần Thanh Hải thời điểm đó, trong chuyến nghỉ dưỡng ở châu Âu với gia đình, đã không bỏ qua cơ hội này, dù tới khi đáp chuyến bay sang Đan Mạch (giáp với khu trang trại) ông vẫn chưa tin lắm vào cuộc gặp gỡ được kết nối chỉ sau vài cú điện thoại.
Thế nhưng, kết thúc có hậu cho cú bắt tay xuyên biên giới sau đó là một nhà máy sữa mang thương hiệu Việt đã đi vào hoạt động tại Thụy Điển. Nhìn vẻ ngoài đúng là cơ duyên, nhưng bên trong lại ẩn chứa khát vọng và phẩm chất của những doanh nhân lớn. Bởi cơ hội trong kinh doanh chẳng theo một quy luật nào.
Sự khác biệt giữa doanh nhân với "người thường" là khả năng nhìn ra, chớp lấy và tận dụng cơ hội. Họ không để cho người khác tước mất cơ hội trước mình.
Tôi rất ngưỡng mộ những giá trị mà Thụy Điển dành cho thế hệ tương lai. Chọn đầu tư vào đây, NutiFood muốn nhân rộng những giá trị đó ra toàn thế giới", ông Trần Thanh Hải.
Chọn cách chơi với "người khổng lồ" không chỉ giúp NutiFood thực hiện khát vọng đưa thương hiệu sữa Việt ra thế giới, mà còn viết tiếp giấc mơ trẻ em trong nước được bình đẳng về sữa với trẻ em toàn cầu.
Thụy Điển là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, đặc biệt là sữa. Tỉ phú Erik Paulsson là cái tên được "bảo chứng" về uy tín.
Khát vọng và tầm nhìn đó mới chính là cơ duyên của cú bắt tay xuyên biên giới giữa "ông trùm" sữa đặc trị trẻ em Việt Nam Trần Thanh Hải với tỉ phú Thụy Điển Erik Paulsson.