Dù là người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, CEO của Amazon, không mấy nổi tiếng với các hoạt động từ thiện như các tỉ phú khác như Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg.
Gần đây, tỉ phú này hứng chịu nhiều chỉ trích về cách làm từ thiện cũng như số tiền quyên góp ít ỏi, đặc biệt sau khi Amazon chỉ cam kết đóng góp 690.000 USD cho nỗ lực giảm tác động của các vụ cháy rừng tại Australia năm ngoái.
Trong số 5 người giàu nhất tại Mỹ, Jeff Bezos - với tài sản cá nhân hơn 117 tỉ USD - là người duy nhất không tham gia Giving Pledge, cam kết dành hơn một nửa tài sản để làm từ thiện trong suốt đời mình.
Năm ngoái, vợ cũ của ông, MacKenzie Bezos, đã tham gia sáng kiến này. Đây là sáng kiến do tỉ phú Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng gần một thập kỉ trước.
Theo một bài viết trên tờ New York Times, hoạt động từ thiện của Bezos “gần như là một điều bí ẩn”.
Tổ chức phi nhuận mang tên ông, Bezos Family Foundation, đến nay đã quyên góp nhiều triệu USD cho Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson tại in Seattle. Tuy nhiên, theo tờ Inside Philanthropy, quỹ này được điều hành bởi cha mẹ của CEO Amazon, và không nhận được đóng góp từ chính ông.
Ngoài ra, Bezos chưa bao giờ xuất hiện trong danh sách 50 nhà từ thiện lớn nhất nước Mỹ, được công bố thường niên cho tới năm 2018, khi ông dẫn đầu danh sách với 2 tỉ USD cho quỹ hỗ trợ chương trình giáo dục dành cho người vô gia cư. Khoản quyên góp này chỉ tương đương 1,3% tổng giá trị tài sản của ông thời điểm đó, theo Quartz.
Dưới đây là các khoản quyên góp từ thiện lớn của ông chủ Amazon kể từ khi trở thành tỉ phú vào năm 1997.
Tháng 8/2011: 10 triệu USD cho Bảo tàng Lịch sử và Công nghiệp tại Seattle (bang Washington, Mỹ).
Khoản tiền quyên góp của Bezos được dùng để thành lập Trung tâm Sáng tạo Bezos của bảo tàng - chính thức ra mắt vào tháng 10/2013. Bảo tàng Lịch sử và Công nghiệp chỉ cách trụ sở của Amazon vài dãy nhà.
Tháng 12/2011: 15 triệu USD cho Viện khoa học Thần kinh Princeton
Khoản tiền này được dùng để thành lập một trung tâm nghiên cứu về rối loạn thần kinh tại Viện khoa học Thần kinh Princeton. Trung tâm này được mở cửa vào cuối năm 2013, trên khuôn viên Đại học Princeton tại New Jersey. Cả Jeff Bezos và vợ cũ của ông đều tốt nghiệp trường này.
Tháng 7/2012: 2,5 triệu USD cho Washington United for Marriage
Năm 2012, Jeff và MacKenzie Bezos, khi đó vẫn chưa li hôn, đã quyên góp 2,5 triệu USD cho tổ chức ủng hộ hôn nhân đồng giới Washington United for Marriage. Tổ chức đã gây quỹ cho một chiến dịch mang tên Trưng cầu dân ý số 74, với quy mô toàn bang Washington, kêu gọi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Khoản quyên góp của vợ chồng Bezos đã giúp tăng gấp đôi ngân quỹ của tổ chức này, và đề xuất hôn nhân đồng giới trên đã được thông qua, theo CNN Money.
Tháng 1/2013: 500.000 USD cho tổ chức phi lợi nhuận Worldreader
Bezos đã quyên góp 500.000 USD cho Worldreader, tổ chức phi lợi nhuận giúp trẻ em tại các quốc gia kém phát triển như Kenya, Ghana, Uganda và Rwanda tiếp cận với sách điện tử.
Tháng 5/2016: 1 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận Mary’s Place
Năm 2016, Bezos tuyên bố quyên góp 1 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận Mary’s Place, cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư tại Seattle, nâng tổng số tiền huy động được của tổ chức này lên hơn 2 triệu USD. Ngoài khoản tiền quyên góp cá nhân từ Bezos, Amazon cũng biến một phần diện tích của trụ sở công ty tại Seattle thành nơi ở cho người vô gia cư.
Tháng 5/2017: 1 triệu USD cho Hội Nhà báo vì Tự do Ngôn luận
Đây là khoản quyên góp từ cá nhân lớn nhất mà Hội Nhà báo vì Tự do Ngôn luận nhận được thời điểm đó. Tổ chức này được thành lập nhằm hỗ trợ các nhà báo và ủng hộ quyền tự do ngôn luận.
Giám đốc của Hội Nhà báo vì Tự do Ngôn luận đã gọi khoản quyên góp của Bezos là “món quà giúp thay đổi cả một tổ chức”. Jeff Bezos là chủ sở hữu Washington Post, tờ báo lâu đời được ông mua với giá 250 triệu USD vào tháng 8/2013.
Tháng 1/2018: 33 triệu USD cho TheDream.us
Bezos đã quyên góp đủ số tiền để tài trợ 1.000 suất học bổng cho trẻ em nhập cư thông qua tổ chức phi lợi nhuận TheDream.us.
Khoản từ thiện của ông được thực hiện vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng chấm dứt Chương trình DACA, chữ viết tắt của Deferred Action for Childhood Arrivals (tạm dịch: Hành động trì hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ) - trong đó trẻ em nhập cư được bảo vệ khỏi việc bị trục xuất và được lao động hợp pháp tại Mỹ.
Bezos cho biết khoản từ thiện của ông là sự ủng hộ dành cho cha ông, Miguel Bezos, người đã nhập cư vào Mỹ từ Cuba khi mới 15 tuổi. Sau đó, Miguel Bezos học đại học và trở thành kĩ sư tại Exxon.
Tháng 9/2018: 10 triệu USD With Honor, một tổ chức hành động chính trị ủng hộ cựu quân nhân
Khoản đầu tư liên quan tới chính trị lớn đầu tiên của Bezos là 10 triệu USD cho With Honor, tổ chức hành động chính trị ủng hộ các cựu quân nhân muốn tranh cử vào Quốc hội.
Tháng 9/2018: 97,5 triệu USD cho các chương trình giáo dục dành cho gia đình vô gia cư qua Bezos Day One Fund
Quỹ Bezos Day One Fund được đặt tên theo lối tư duy “Ngày 1” có từ lâu của CEO Amazon. Ông tuyên bố dành 2 tỉ USD cho quỹ này, và cho biết dự định dùng số tiền đó để giúp đỡ các gia đình vô gia cư, đồng thời triển khai các chương trình giáo dục cho các cộng đồng ít được quan tâm.
Đợt quyên góp đầu tiên trong cam kết này của Bezos là 97,5 triệu USD.
Tháng 11/2019: 98,5 triệu USD cho Bezos Day One Fund
Đây là đợt quyên góp thứ hai của Bezos cho quỹ Bezos Day One Fund với 98,5 triệu USD cho 32 tổ chức tại 23 bang khác nhau, nhằm “hỗ trợ các hoạt động có ý nghĩa lớn nhằm cung cấp chỗ ở và hỗ trợ những gia đình trẻ tại các cộng đồng trên khắp cả nước”.
Tháng 2/2020: 10 tỉ USD để cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu qua quỹ Bezos Earth Fund
Đầu năm 2020, trên trang Instagram cá nhân, Bezos tuyên bố thành lập quỹ Bezos Earth Fund, với mục đích tài trợ cho các nhà khoa học, nhà hoạt động và tổ chức phi lợi nhuận - “bất kì nỗ lực nào mang đến lợi ích thiết thực giúp bảo vệ trái đất”.
Quỹ này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhân viên Amazon lên tiếng kêu gọi công ty này hành động nhiều hơn để chống lại biến đổi khí hậu.
Sau tuyên bố Earth Fund của Bezos, một số nhà phê bình kêu gọi ông thay đổi hoạt động kinh doanh của Amazon, ví dụ như giảm lượng bao bì đóng gói hàng - trước khi tập trung vào những dự án thay đổi thế giới.