Tỉ phú Trần Bá Dương vừa kí kết hợp tác đầu tư với Công ty CP Hùng Vương với tỉ lệ sở hữu 35% cổ phần, đồng thời, cử đại diện giữ chức Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc tài chính và các chuyên gia phụ trách kĩ thuật, bán hàng.
Hợp tác giữa Thaco và Thủy sản Hùng Vương được xem như tỉ phú Trần Bá Dương ra tay "giải cứu" doanh nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh, bởi Thủy sản Hùng Vương đang ngập trong nợ, có khả năng mất kiểm soát tài chính.
Công ty CP Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh đã có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá da trơn tại Việt Nam. Dấu ấn của ông Minh tại Thủy sản Hùng Vương rất rõ nét, đưa doanh nghiệp trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong ngành, được mệnh danh là "vua" cá tra Việt Nam.
Năm 2010, thực hiện tham vọng đứng đầu ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản, Hùng Vương đã liên tục mua lại nhiều công ty trong ngành. Đây cũng là giai đoạn huy hoàng nhất của Hùng Vương, khi doanh thu năm 2010 chưa đến 5.000 tỉ đồng nhưng chỉ sau 4 năm đã tăng lên hơn 15.000 tỉ đồng.
Với doanh thu và lợi nhuận đáng mơ ước trong giai đoạn này, Hùng Vương luôn nằm trong tốp đầu những doanh nghiệp có doanh thu cao nhất sàn chứng khoán, và ông Dương Ngọc Minh cũng là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Sau khi gây dựng tên tuổi trong ngành thủy sản, Hùng Vương bắt đầu đầu tư vào chăn nuôi heo. Nhưng bước chuyển này cũng bắt đầu đánh dấu Hùng Vương rơi vào giai đoạn lao đao, từ một ông trùm trong ngành cá tra chuyển qua thua lỗ và nợ lần. Tính đến nay, số lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã hơn nghìn tỉ đồng.
Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất niên độ tài chính kết thúc ngày 30/9/2019, do Hùng Vương vừa công bố, đã tiết lộ số lỗ ròng của công ty tăng lên thêm 600 tỉ đồng so với báo cáo trước đó của công ty lập.
Cụ thể, tổng doanh thu cả năm của Hùng Vương đạt 4.119 tỉ đồng, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong đó, chiếm đến 98% doanh thu là hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản và các sản phẩm liên quan. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cũng cho thấy, doanh thu từ xuất khẩu thủy sản năm qua giảm mạnh, xuống chỉ còn một nửa so với năm trước. Đây cũng là tình hình chung của Hùng Vương trong những năm qua.
Trong khi đó, các loại chi phí đều tăng mạnh, nhất là chi phí quản lí doanh nghiệp tăng gấp 2,5 lần, từ mức 221 tỉ đồng lên thành 545 tỉ đồng. Kết quả, lỗ trước thuế của Hùng Vương năm 2019 lên đến 1.075 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi hơn 100 tỉ đồng.
Đáng chú ý, mức lỗ sau kiểm toán tăng gần 3 lần so với con số lỗ 476 tỉ do Hùng Vương báo cáo trong báo cáo tài chính công bố trước đó.
Tính đến kì báo cáo tài chính gần nhất, "vua" cá Hùng Vương đã lỗ lũy kế đến 1.489 tỉ đồng. Lỗ lũy kế chiếm đến hơn 65% tổng vốn cổ phần hiện nay của công ty.
Năm 2018 có thể được xem là năm giải thể nhiều công ty con, bán nhiều tài sản nhiều nhất của Hùng Vương. Doanh nghiệp lần lượt rút vốn tại nhiều công ty chuyên về lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, Hùng Vương đã giải thể Địa ốc An Lạc và bán ra 7.131,5 m2 đất; thoái vốn tại Thực phẩm Sao Ta (FMC), với hơn 21 triệu cổ phiếu, thu về 486,8 tỉ đồng.
Doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh cũng bán vốn tại Việt Thắng (VTF), giảm tỉ lệ sở hữu từ 90,36% về 33,16% vốn; bán kho lạnh 2 Tân Tạo, thu về gần 151 tỉ đồng.
Bước sang năm 2019, Hùng Vương tiếp tục thoái vốn tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang và thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre với giá trị 180 tỉ đồng.
Sau một loạt thương vụ, tính đến cuối tháng 9/2019, Hùng Vương còn 7 công ty con với tỉ lệ sở hữu từ 66,78% đang hoạt động.
Tại kì báo cáo tài chính 2019, tổng tài sản của Hùng Vương hiện là 8.025 tỉ đồng, gồm 5.753 tỉ tài sản ngắn hạn và 2.272 tỉ tài sản dài hạn.
Tổng nợ là 7.109 tỉ đồng, tăng hơn 650 tỉ đồng so với đầu kì, riêng nợ vay chiếm hơn phân nửa, với 3.056 tỉ đồng. Doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh cũng đang thế chấp các tài khoản tại ngân hàng cho khoản vay.
Đơn vị kiểm toán cũng đưa ra nhận định tổng nợ ngắn hạn của tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, là 1.170 tỉ đồng. Cùng với những yếu tố trên, "cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn".
Điều này đồng nghĩa, khả năng hoạt động tiếp tục của công ty phụ thuộc phần lớn vào việc sắp xếp được dòng tiền và ngân hàng đồng ý tái cơ cấu nợ.
Kinh doanh khó khăn những năm gần đây, liên tục bán và thoái vốn khỏi các công ty con, và thế chấp nhiều tài sản tại ngân hàng, ông chủ của Hùng Vương là đại gia Dương Ngọc Minh đã tìm đến Chủ tịch Thaco - tỉ phú Trần Bá Dương.
"Tôi và ông Dương gặp nhau 60 phút để quyết định hợp tác", Chủ tịch Hùng Vương nói tại lễ kí kết hợp tác chiến lược với Thaco. Tuy nhiên, ông khẳng định việc ông Dương nắm 35% cổ phần, ông giữ 38% cổ phần, nên hai bên đều rất công bằng, được thì hai bên cùng có lợi, hoặc mất tất cả".
Hiện ngoài thủy sản, Hùng Vương đang sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, sở hữu độc quyền giống heo được chuyển giao từ Đan Mạch, và đã đầu tư xây dựng các trại heo giống công nghệ cao tại An Giang, Bình Định.
Thaco sẽ bắt tay cùng Hùng Vương thành lập một liên doanh trong mảng sản xuất heo giống, với quy mô 45.000 con trong năm 2020. Tỉ phú Trần Bá Dương sẽ đầu tư 65% vào liên doanh, tương đương khoảng 2.000 tỉ đồng cho thương vụ.
Dự kiến, sau khi hợp tác chiến lược, với kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp của Hùng Vương cùng việc vận hành của Thaco, năm 2020, mảng nông nghiệp sẽ mang lại doanh thu khoảng 550 triệu USD.
Riêng Hùng Vương, sau khi có sự hỗ trợ của Thaco, công ty đặt tham vọng đạt 12.500 tỉ đồng doanh thu, tức tăng gấp 3 lần từ mức 4.000 tỉ đồng.
Hùng Vương đặt mục tiêu, 2020 sẽ xuất khẩu 100.000 tấn cá tra thành phẩm sang châu Á, châu Âu và châu Mỹ, để mang về 250 triệu USD doanh thu. Công ty phát triển vùng nuôi tôm chất lượng cao rộng hơn 500 hecta ở Bến Tre, củng cố mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 600.000 tấn mỗi năm và phát triển mảng chăn nuôi heo.