Các chính sách ưu đãi về thuế quan, giá bán,… gần đây của Chính phủ đối với dòng sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe tại thị trường Việt Nam.
Một số dòng ô tô có doanh số cao trước đây thường được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan hay Indonesia thì nay cũng đã rục rịch được các nhà sản xuất ô tô dịch chuyển dây chuyền sản xuất, lắp ráp về Việt Nam để hưởng ưu đãi.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan ghi nhận, lượng ô tô nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái.
Thời gian gần đây, các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã được hưởng lợi kép từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đó là chính sách miễn thuế nhập khẩu một số mẫu mã khẩu kiện lắp ráp ô tô và Nghị định 70 về việc cắt giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước.
Đặc biệt là với việc giảm lệ phí trước bạ, khách hàng mua xe nội có thể tiết kiệm từ 15 - 300 triệu đồng khi mua xe từ nay đến cuối năm, tuỳ theo phiên bản mẫu mã. Kết hợp với các chính sách giảm giá thu hút khách hàng sau khoảng thời gian đóng cửa giãn cách xã hội vì Covid-19, rõ ràng xe nội đang là lựa chọn ưu tiên của không ít người.
Xét về giá cả, ưu đãi có thể nhận thấy xe nhập ngoại đang lép vế trước xe nội. Đứng trước thực tế đó, thời gian vừa qua các hãng xe nước ngoài đã lần lượt chuyển sản xuất các dòng xe có doanh số cao về Việt Nam.
Đơn cử, hồi cuối tháng 7, Honda đã tổ chức lễ xuất xưởng Honda CR-V 2020 tại nhà máy Vĩnh Phúc. Đây là cột mốc đánh dấu sau 2 năm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, dòng xe này đã chính thức được sản xuất tại Việt Nam.
Honda CR-V là một sản phẩm chiến lược của hãng xe Nhật Bản trên phạm vi toàn cầu. Xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2017, doanh số luỹ kế của CR-V sau 5 thế hệ đã lên tới 26.000 xe.
Trong năm 2019, Honda CR-V cũng là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc SUV với doanh số kỉ lục đạt hơn 13.000 xe.
Trước đó trong tháng 5, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 doanh số bán xe Honda tại Việt Nam giảm sâu tới 52% so với cùng kì năm trước, hãng này đã từng có ý định sẽ dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu xe hoàn toàn.
Khó khăn vì dịch bệnh, khi ấy, Giám đốc điều hành Honda Việt Nam, ông Keisuke Tsuruzono đã từng cho biết nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài trong những năm sau đó, có thể doanh nghiệp này sẽ chuyển đổi hình thức kinh doanh từ sản xuất xe sang nhập khẩu xe.
"Sản lượng ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm do khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn. Từ đó dẫn đến việc công ty có khả năng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất sang nhập khẩu", Giám đốc Honda Việt Nam cho hay.
Thế nhưng, rất nhanh chóng chỉ chưa đầy 2 tháng sau, Honda tiếp tục cho xuất xưởng dòng ô tô thứ hai tại Việt Nam, sau Honda City. Có thể thấy, các chính sách ưu đãi ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp ngoại.
Tương tự Honda, trung tuần tháng 7 thị trường ô tô Việt Nam cũng đón nhận thêm một "tân binh" mới gia nhập câu lạc bộ xe nội. Đó là dòng xe MPV Xpander của Mitsubishi Motor.
Sau hai năm mở bán tại Việt Nam và đạt được nhiều thành công về doanh số bán hàng, Mitsubishi đã quyết định lắp ráp Xpander tại Việt Nam. Dòng xe Xpander nội được bán với mức giá tương đương xe nhập khẩu.
Sau đó, cuối tháng 7, Trường Hải (Thaco) cũng trình làng mẫu SUV đô thị KIA Seltos với dây chuyền được đầu tư, lắp ráp tại nhà máy ở Chu Lai, Quảng Nam. KIA Seltos có mức giá chỉ tiwf 589 - 719 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều nếu so với đối thủ cùng phân khúc là Toyota Corolla Cross nhập khẩu có giá từ 720 - 918 triệu đồng.
Do đó, có thể thấy những lợi thế rõ ràng về chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ hút khách hàng, các thương hiệu ô tô ngoại có lí do chính đáng để chuyển dây chuyền, nhà máy về sản xuất trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 4.000 chiếc ô tô, trị giá 104 triệu USD.
Lượng nhập mặt hàng này 7 tháng đầu năm là 44.000 chiếc, trị giá 1.013 tỉ USD, giảm 48,3% về lượng và giảm 47,6% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.
Hiện lượng ô tô trong nước tồn kho khoảng 20.000 chiếc, tương đương với doanh số 1 tháng bán hàng của toàn thị trường.
Nguyên nhân được chỉ ra là do dịch Covid-19 khiến thu nhập của người tiêu dùng giảm, và phải thắt chặt chi tiêu.
Ngoài ra, các dòng xe được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam như VinFast, KIA, Honda,… liên tục tung ra các chương trình ưu đãi giảm giá để thu hút khách hàng. Do đó, vô hình chung đã tạo sức ép không nhỏ lên các dòng xe nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô cũ cũng tìm cách tồn tại trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bằng cách giảm giá mạnh tay đối với các mẫu xe bán chạy. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền hơn so với các mẫu xe ngoại đắt đỏ.
Một đơn vị lớn chuyên nhập khẩu dòng xe Mercedes-Benz là Haxaco, vừa công bố báo cáo tài chính quí II/2020 cũng cho thấy các chỉ số doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với cùng kì năm trước.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Haxaco lãi trước thuế đạt 11 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỉ đồng giảm gần 70% so với cùng kì. Tuy nhiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Haxaco chỉ mang về 244 triệu đồng.
Để giải quyết tình hình, các doanh nghiệp nhập và phân phối xe nhập khẩu đã áp dụng một loạt các biện pháp như giao xe đến tận nhà để khách hàng lái thử, tặng kèm các combo bảo dưỡng, giảm giá cho khách hàng mua xe, tư vấn mua xe qua điện thoại,….
Tuy nhiên, với sự góp mặt ngày càng đông của các dòng xe được sản xuất, lắp ráp trong nước với các chính sách ưu tiên có lợi hơn, rõ ràng xe nhập khẩu đang bị hụt hơi.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng hơn 40 mẫu ô tô đang được lắp ráp, sản xuất trong nước, chủ yếu đến từ các thương hiệu quen thuộc như VinFast, KIA, Hyundai, Mazda hay Toyota… Ở chiều ngược lại, xe nhập khẩu thuộc phân khúc phổ thông hiện có khoảng 35 dòng đang được bán chính thức tại Việt Nam.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.