Trên thị trường hiện nay, nhiều thương hiệu sở hữu các smartphone cao cấp riêng như Nokia, Samsung, HTC, Apple... với mức giá dao động từ hơn 10 triệu tới gần 35 triệu. So với thu nhập bình quân tại Việt Nam cũng như mức thu nhập phổ biến, các sản phẩm này không hề rẻ, có thể bằng một, hai tháng lương, thậm chí hơn.
Vì vậy, smartphone cao cấp tưởng chừng là phân khúc kén khách, khó tiêu thụ nhưng trên thực tế, đây lại là mảng sôi động của các nhà sản xuất với nhiều chiến lược kinh doanh chặt chẽ, cạnh tranh khá gay gắt. Để hấp dẫn khách hàng đến với sản phẩm của mình, các nhà sản xuất cũng như đơn vị kinh doanh đã tung nhiều chương trình ưu đãi, trợ giá cho người dùng.
Phổ biến nhất trong số này là hình thức trả góp do siêu thị và công ty tài chính phối hợp, giúp người dùng có máy trước với số tiền trả trước tối thiểu chỉ 30% giá trị máy, phần còn lại sẽ được chia đều và thanh toán theo các tháng. Một số đơn vị kinh doanh còn tung ưu đãi trả trước 0 đồng, có nghĩa người dùng chỉ cần hoàn thành các thủ tục để được vay trả góp là có thể lấy máy sử dụng, toàn bộ tiền máy sẽ được thanh toán theo từng tháng tiếp theo.
Với hình thức này, số tiền phải trả ban đầu của người dùng không cần quá lớn (thường chỉ vài triệu đồng), khoản thanh toán theo tháng cũng khá "nhẹ nhàng". Tuy nhiên, tổng số tiền phải thanh toán cho một model khoảng 15 triệu đồng (giá gốc) sau khi kết thúc hợp đồng trả góp có thể lên tới 17 - 18 triệu đồng. Khoản chênh lệch này là chi phí bảo hiểm, tiền thu hộ, tiền lãi vay hàng tháng...
Hiện nay, những hệ thống phân phối thiết bị di động quy mô lớn đều có chương trình hỗ trợ trả góp 0% lãi suất đối với một số model nhất định. So với hình thức trả góp có lãi suất, lựa chọn này buộc người mua phải thanh toán toàn bộ tiền máy trong vòng 6 tháng, nhưng đi kèm với đó là chi phí rẻ. Khoản tiền chênh lệch giữa mua trả thẳng (thanh toán toàn bộ tiền máy) với trả góp 0% chỉ từ 100.000 đồng tới gần 400.000 đồng, tùy giá trị máy. Đây là chi phí thu hộ, bảo hiểm khoản vay...
Nếu không muốn sử dụng dịch vụ từ công ty tài chính, người dùng có thể trả góp qua thẻ tín dụng của một số ngân hàng, với lãi suất 0%. Hình thức của lựa chọn này tương tự như trên, với việc trả trước một phần, số tiền còn lại sẽ tính vào hạn mức hàng tháng của chủ thẻ và thanh toán trực tiếp với ngân hàng, không thông qua công ty tín dụng.
Các đơn vị kinh doanh lớn cũng có chương trình riêng, bán máy theo hợp đồng cam kết đối với hệ thống của mình. Các sản phẩm này thường được bán với mức giá ưu đãi kèm cam kết sử dụng dịch vụ với giá trị nhất định, kéo dài một tới hai năm. Trong thời gian này, thiết bị sẽ "khóa" dịch vụ để đảm bảo người dùng thanh toán đúng kỳ hạn, thực hiện đầy đủ cam kết như hợp đồng. Trường hợp đơn phương phá hợp đồng trước thời hạn, máy sẽ bị khóa từ xa (qua hệ thống của nhà phân phối), trở thành "cục chặn giấy", không thể truy cập hay sử dụng tính năng nào.
Mới đây, một doanh nghiệp chuyên phân phối thiết bị di động chính hãng đã phối hợp với nhà mạng để tung ra lựa chọn mua máy kèm gói cước và sim thuê bao. Bằng hình thức này, người dùng sẽ cam kết mức chi phí nhất định đối với thuê bao mình đăng ký để được hưởng ưu đãi trừ thẳng vào giá trị máy. Thuê bao sẽ phải cam kết đóng đầy đủ phí, cước theo quy định trong vòng 12 hoặc 24 tháng. Hình thức này không bắt buộc sim đăng ký phải được lắp trên máy mua ưu đãi, chỉ yêu cầu đóng cước đầy đủ.
Bản thân các nhà mạng cũng có chương trình riêng, cho phép khách hàng của mình mua máy theo hình thức ký quỹ. Cũng tương tự với hình thức trên, tuy nhiên người dùng sẽ phải đóng đủ tiền máy tại thời điểm mua. Số tiền này sẽ được trừ dần vào hợp đồng thuê bao hàng tháng, tùy giá trị hợp đồng và máy. Hình thức mua máy ký quỹ này sẽ đi kèm các quyền lợi như sử dụng gói data lớn, miễn phí nhiều phút gọi, tin nhắn nội/ngoại mạng. Sau khi kết thúc hợp đồng (một hoặc 2 năm), tổng số tiền người dùng được ưu đãi trong cước thuê bao di động sẽ tương đương khoản ưu đãi giảm tiền máy mà nhà mạng đã cam kết.