Các hộ dân đang nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy ở Hà Đông được phép cải tạo, sửa chữa nhà ở

Quận Hà Đông hiện có gần 1.000 hộ dân đang sống trong hành lang thoát lũ sông Đáy. TP Hà Nội cho biết, các hộ dân có thể cải tạo, sửa chữa công trình trên cơ sở hiện trạng, không được mở rộng diện tích mặt bằng.

(Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

UBND TP Hà Nội vừa có Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa XVI. Tại quận Hà Đông, cử tri cho biết, hiện trong khu vực hành lang thoát lũ sông Đáy của quận có gần 1.000 hộ dân, trong đó có khoảng 150 căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hộ dân có 3 - 4 cặp vợ chồng cùng chung sống nhưng khi đi xin cấp phép xây dựng đều không được.

Do đó, cử tri đề nghị thành phố trả lời rõ về lộ trình, địa điểm di chuyển các hộ dân, giải pháp trước mắt đối với các hộ dân có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà trong phạm vi hành lang thoát lũ sông Đáy nhằm đảm bảo an toàn.

Trả lời kiến nghị cử tri, thành phố cho biết, hiện Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 (trong đó có phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn được tích hợp) chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vì vậy, trường hợp các hộ dân có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà trong phạm vi hành lang thoát lũ, UBND quận Hà Đông cần lấy ý kiến của Cơ quan chuyên ngành quản lý đê điều, phòng chống thiên tai để có biện pháp ứng xử phù hợp với nhu cầu xây dựng của nhân dân tại khu vực này.

Ngày 7/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, trong đó có giải pháp xem xét điều chỉnh nắn thẳng lòng dẫn sông Đáy ở Yên Nghĩa nhằm tăng khả năng tiêu thoát lũ, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật.

Đối với phần bãi sông Đáy, di dời toàn bộ nhà cửa, công trình trong phạm vi cải tạo, nạo vét phần lòng dẫn có dòng chảy thường xuyên và phạm vi lưu không sát bờ sông...

Ngày 1/10/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán dự án cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ và đê điều sông Đáy. Hiện nay, các mốc đã được xây dựng ngoài thực địa và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Đối với công trình, nhà ở nằm trong chỉ giới hành lang thoát lũ sông Đáy, trong khi chưa tổ chức di dời được, để đảm bảo an toàn, các hộ dân có thể cải tạo, sửa chữa công trình trên cơ sở hiện trạng, không được mở rộng diện tích mặt bằng.

Tuy nhiên, việc cải tạo, sửa chữa công trình nhà ở phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đồng thời phải có phương án chủ động đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra lũ lớn và chấp hành di dời trong trường hợp thành phố yêu cầu.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.