Biên lợi nhuận đối với các sản phẩm chưng cất trung gian như nhiên liệu máy bay và nhiên liệu diesel đã cải thiện đáng kể so với thời điểm thị trường dầu mỏ lao dốc vì đại dịch COVID-19 vào năm ngoái.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của ngành hàng không và áp lực buộc các nhà máy lọc dầu hạ nguồn cung nhiên liệu máy bay trong bối cảnh nhu cầu còn thấp có thể đẩy nhanh tốc độ đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở lọc dầu, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á.
Công suất lọc dầu của các nhà máy mới tại Trung Đông và Trung Quốc cũng gây áp lực cho các cơ sở cũ hơn. Theo lập luận của oilprice.com, các nhà máy lọc dầu cũ thường sản xuất nhiều sản phẩm chưng cất trung gian hơn nên có nguy cơ phải đóng cửa do biên lợi nhuận thấp hoặc hoạt động không có tính cạnh tranh.
Ngoài ra, nguồn cung dầu diesel dư thừa tại châu Á cũng làm giảm biên lợi nhuận của các cơ sở lọc dầu, trong khi giá dầu thô tăng cao khiến nguyên liệu thô đắt hơn. Theo ghi nhận trên oilprice.com vào 11h30 ngày 9/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đang giao dịch quanh mốc 68,9 USD/thùng, còn dầu WTI neo quanh ngưỡng 65,6 USD/thùng.
Cú sốc nhu cầu hồi năm ngoái dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và đóng cửa vĩnh viễn khá nhiều nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới, bao gồm ở Mỹ. Cuối năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngay cả khi công suất lọc dầu giảm 1,7 triệu thùng/ngày như tuyên bố hồi tháng 11 cùng năm, "thị trường vẫn còn thừa công suất nghiêm trọng".
Cuộc khủng hoảng hiện tại là mối đe dọa hiện hữu đối với các nhà máy lọc dầu nhỏ và hoạt động kém hiệu quả ở châu Âu cũng như châu Á. Họ vốn chật vật thu lợi nhuận từ trước đại dịch COVID-19.
Ngay cả các ông lớn ngành dầu mỏ cũng thừa nhận một số cơ sở lọc dầu của họ đang vận hành không hiệu quả vì biên lợi nhuận giảm, cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu nhiên liệu đường bộ trong dài hạn dự kiến đi xuống.
ExxonMobil va BP đã thông báo sẽ đóng cửa một số cơ sở lọc dầu tại Australia trong vài tháng tới và sau đó chuyển đổi chúng thành bến nhập nhiên liệu. Do vị trí địa lý, Australia dần mất đi khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực lọc dầu khi các cơ sở cũ khó có thể bì kịp năng lực chế biến dầu đang bùng nổ ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Nikkei Asia, công suất lọc dầu của Trung Quốc đã tăng đáng kể từ khoảng năm 2015 nhờ sự giúp sức của tập đoàn nhà nước PetroChina và China Petroleum & Chemical (hay Sinopec). IEA dự đoán công suất lọc dầu của Trung Quốc sẽ tăng lên 1,8 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2019 - 2025.
Xuất khẩu sản phẩm dầu của Trung Quốc sang các khách hàng tại châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên cùng với sự trỗi dậy của các nhà máy lọc dầu lớn có thể chế biến 300.000 - 400.000 thùng dầu/ngày, cao gấp 2- 4 lần so với các cơ sở sắp đóng cửa ở Australia. Hơn nữa, chi phí lọc dầu của Trung Quốc rất thấp, cho phép nhà cung ứng bán với giá mà nhiều nhà máy ở Australia không thể cạnh tranh lại.
Giới phân tích nhận định, trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa do công suất mới xây thêm và nhu cầu nhiên liệu máy bay chưa khởi sắc. Theo dự báo thì phải đến năm 2023 nhu cầu nhiên liệu máy bay mới có thể khôi phục về mức trước đại dịch.
Cây bút phân tích thị trường John Kemp của Reuters cho biết chắc chắn biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu đã cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây so với mức tồi tệ vào mùa xuân năm ngoái.
Chia sẻ tại sự kiện công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020, ông Bernard Looney, Giám đốc Điều hành của BP, nói: "Thật tốt khi thấy biên lợi nhuận của các cơ sở lọc dầu khởi sắc trong tháng 1, song vẫn còn lâu mới đạt được những con số kỷ lục trong quá khứ".
Theo hai phó chủ tịch Ann-Louis Hittle và Alan Gelder của Wood Mackenzie, chặng đường phục hồi của ngành lọc dầu thế giới sẽ rất gian nan và kéo dài.
"Đóng cửa hoặc tái cơ cấu nhà máy lọc dầu là điểm nhấn của năm 2020 trên khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Tuy nhiên, điều này không giúp tăng biên lợi nhuận của doanh nghiệp lọc dầu khi nhu cầu sụt giảm", hai vị phó chủ tịch nhấn mạnh.