Sau nhiều năm trì hoãn, tuần trước, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, Mã: POW) công bố sẽ thoái toàn bộ 19,93 triệu cổ phần tại CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí (PV Machino, Mã: PVM), tương ứng với 51,58% vốn tại đây.
Câu chuyện thoái vốn ở PV Machino được cổ đông rất quan tâm trong buổi họp đại hội đồng cổ đông bất thường của PV Power xoay quanh vấn đề lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông khi thoái vốn.
Dù hoạt động kinh doanh của PV Machino không nổi bật nhưng doanh nghiệp lại sở hữu trong tay loạt đất vàng được định giá tới hàng nghìn tỷ đồng, cùng với dòng tiền đều đặn gần trăm tỷ đồng cổ tức hàng năm.
PV Machino, với vốn điều lệ hơn 386 tỷ đồng, được biết đến trong việc tham gia cung cấp và thực hiện một số phần việc trong các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN,...
Trong giai đoạn 2014 - 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty liên tục tăng trưởng. Riêng năm 2020, doanh thu giảm mạnh 60% chỉ còn 628 tỷ đồng do COVID-19.
Song, PV Machino vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng lên 50 tỷ đồng, cao nhất trong 9 năm trở lại đây nhờ khoản cổ tức 83 tỷ đồng. Nhìn lại các năm trước, giai đoạn 2017 - 2019 thì mức chia cổ tức cho PV Machino cũng đều đặn trên 80 tỷ đồng.
Khoản cổ tức thường xuyên này đến từ các doanh nghiệp mà PV Machino đang rót vốn. Trong đó, có thể kể đến phần vốn góp trong ba liên doanh gồm 10% vốn tại Công ty TNHH FCC Việt Nam, 10% tại Công ty TNHH Vietnam Nippon Seiki và 8,45% tại Công ty TNHH Phụ tùng xe máy ô tô SHOWA Việt Nam.
Đây đều là những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất máy móc, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các khách hàng lớn như BMW, Honda, Harley Davidson. Lợi nhuận của các công ty này duy trì đều qua các năm, đạt vài trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, điểm hấp dẫn của PV Machino còn là các bất động sản đang nắm giữ, được định giá hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó phải tính đến khu đất 1.827 m2 tại số 8 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội (trụ sở công ty); thửa đất 44-2 tại Thanh Xuân, Hà Nội. Bên cạnh đó, PV Machino còn sở hữu lô đất 2,36 ha tại Đông Anh, Hà Nội đang được cho thuê.
PV Machino còn liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng. Hay 1.500 m2 đất tại 25 đường Hùng Vương, Móng Cái, Quảng Ninh (Trung tâm thương mại và dịch vụ Móng Cái).
PV Machino cũng góp 10% vốn tại dự án Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - Khu đô thị Nam An Khánh thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Không chỉ dừng lại ở việc công ty mẹ sở hữu các bất động sản, các công ty thành viên của PV Machino cũng nắm nhiều đất vàng.
Đơn cử tại Đà Nẵng, Công ty Máy Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng (Daesco) do PV Machino có quyền chi phối đang đặt trụ sở tại 53 Trần Phú, quận Hải Châu, và là đại lý lớn của hãng ô tô Mitsubishi tại Việt Nam.
Daesco được quản lý các khu đất 1.806 m2 ở 51 Phan Đăng Lưu, hiện nay làm showroom ô tô; 3.241 m2 ở 495 Nguyễn Lương Bằng là trung tâm kinh doanh và bảo hành ô tô; hay 5.356 m2 đất ở số 10 Nguyễn Phục thuộc Khu Công nghiệp dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng.
Ngoài ra, Daesco còn được thuê lô đất ở khu đô thị mới Đông Nam Thủy An, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng Mitsubishi Daesco Huế.
Giá trị của các khu đất này trên sổ sách chỉ ở mức vài trăm tỷ đồng. Do đó mà các cổ đông cho rằng giá trị này chưa phản ánh chính xác, con số định giá có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch HĐQT PV Power từng khẳng định "lợi thế của PV Machino đều sẽ được tính toán để xác định giá trị tối thiểu thoái vốn, trên tinh thần mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp cũng như lợi ích cao nhất cho các cổ đông".
Tuy nhiên, cổ đông cho rằng ngoài 19,93 triệu cổ phần thoái vốn còn phải tính đến giá trị các khu đất do PV Machino và các công ty thành viên sở hữu.
Theo Nghị định 140, để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn nhà nước phải tính đầy đủ giá trị thực tế bao gồm giá trị từ quyền sử dụng đất giao có thu tiền, đất nhận chuyển nhượng, đất thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài hoạt động kinh doanh, câu chuyện thu hồi công nợ cũng là điều đáng lưu ý tại PV Machino. Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Machino Phạm Văn Hiệp cho biết, trong những năm qua, công ty đã thu hồi khoảng 50% số nợ phải thu khó đòi.
Tính đến cuối năm 2020, PV Machino có 214 tỷ đồng nợ xấu, giảm 23 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó gần 160 tỷ được xác định là có thể thu hồi. Khoản nợ xấu này một phần đến từ CTCP Xuất Nhập Khẩu Tân Hồng gần 97 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Vina Magastar hơn 33 tỷ đồng.
Bên cạnh khoản nợ xấu, một số cổ đông còn cho rằng bộ máy tổ chức của PV Machino chưa tinh gọn, một số khoản chi phí hoạt động còn lớn như chi phí nhân công, chi phí quản lý,...cần phải tiết giảm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu PVM bắt đầu gợn sóng kể từ đầu tháng 7/2020 và leo lên vùng đỉnh 29.000 đồng/cp vào ngày 8/1/2021. Những phiên sau đó, thị giá được điều chỉnh.
Ngay khi có thông tin chốt phương án thoái vốn vào ngày 4/3 vừa qua, cổ phiếu PVM đã có hai phiên tăng trần liên tiếp. Chốt phiên ngày 8/3, PVM tạm dừng ở mốc 28.900 đồng/cp.