Các thương hiệu Việt sau khi về tay người Thái: Sabeco từng lãi kỷ lục, Metro vẫn chật vật trên thị trường

Thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam trong 5 năm trở lại đây ghi nhận dấu ấn của nhiều tập đoàn từ xứ sở chùa Vàng. Sau khi có sự tiếp quản của người Thái, các doanh nghiệp có những số phận khác nhau: kẻ thu về trái ngọt, người vẫn chưa thể đổi vận.

Sabeco lãi kỷ lục trước đà sụt giảm do Covid-19

Cuối năm 2017, Thai Beverage chính thức mua CTCP Nước giải khát Sài Gòn Sabeco với tỷ lệ cổ phần ban đầu là 53,59%.

Thương vụ M&A trị giá 4,8 tỉ USD - lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á, cũng là thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp Việt Nam.

Sau khi về tay người Thái, hãng bia nổi tiếng đã có những bước đi mới trong kinh doanh và ghi nhận tăng trưởng mạnh. 

Năm 2019, Sabeco lãi kỷ lục. Cụ thể, công ty ghi nhận 37.899 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng 5.370 tỷ đồng cả năm, mức kỷ lục từ trước đến nay của doanh nghiệp. 

Sang năm nay, theo báo cáo tài chính quý III, Sabeco đạt 20.096 tỉ đồng doanh thu thuần và 3.258 tỉ đồng lãi ròng sau 9 tháng đầu năm, lần lượt giảm 29% và 19% so với cùng kì năm ngoái.

Các thương hiệu Việt sau khi về tay người Thái: Sabeco từng lãi kỷ lục, Metro vẫn chật vật trên thị trường - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất bia của Sabeco. (Ảnh: Sabeco).

Như vậy, doanh nghiệp đã thực hiện được 84% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận năm qua 9 tháng.

Chia sẻ với Pháp luật TP HCM, ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco, giải thích doanh thu và lợi nhuận công ty giảm sút do Nghị định 100/2019 về phòng, chống tác hại của rượu bia và Covid-19 đã khiến sức tiêu thụ bia giảm. Điều này khiến không chỉ Sabeco mà toàn ngành bia đều bị sụt giảm doanh số.

Thời gian tới, Sabeco tập trung đầu tư cho thương hiệu, đưa ra nhiều sản phẩm mới, dịch chuyển các chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng tương lai.

BigC Việt Nam thu hẹp quy mô nhưng vẫn đứng thứ hai về thị phần

Năm 2016, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan - Central Group đã chính thức mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1,14 tỷ USD. Song song, Tập đoàn này cũng rót hơn 140 triệu USD kiểm soát chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Thời điểm đó, Big C Việt Nam có 43 siêu thị và 30 trung tâm mua sắm. Doanh thu năm 2015 là 586 triệu euro, tương đương khoảng 665 triệu USD.

Thông tin từ Zing cho biết, sau khi sở hữu Big C, Central Group công bố kế hoạch đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam, nâng gấp đôi số siêu thị, trung tâm thương mại trong vòng 5 năm tới (đến 2021).

Trong vòng một năm đầu tiên về tay người Thái, một số doanh nghiệp trong hệ thống Big C Việt Nam ghi nhận doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang. Bước vào giai đoạn 2018 - 2019, tình hình kinh doanh của Big C có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Các thương hiệu Việt sau khi về tay người Thái: Sabeco từng lãi kỷ lục, Metro vẫn chật vật trên thị trường - Ảnh 2.

(Ảnh: BigC Việt Nam).

Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail (đơn vị chủ quản Big C Việt Nam) cho thấy chuỗi này mang về gần 20.454 tỉ đồng cho công ty mẹ, tăng 10% so với năm 2018.

Đến hết năm 2019, hệ thống Big C với 35 siêu thị, chiếm thị phần thứ hai thị trường bán lẻ Việt Nam (3,5%), nhưng đã có sự thu hẹp đáng kể về quy mô so với cách đây 4 năm.

Theo định hướng chiến lược cho thị trường Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, Central Retail cho biết sẽ tiếp tục tập trung phát triển các mô hình siêu thị và đại siêu thị ở cả nông thôn và thành thị, nhằm phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau khắp cả nước. Trong đó, các đại siêu thị Big C hiện tại sẽ được chuyển đổi sang thương hiệu Go!.

Metro Việt Nam đổi chủ, chưa đổi vận

Hệ thống siêu thị Metro là chuỗi phân phối mô hình đại siêu thị lớn nhất tại Việt Nam xét theo quy mô mỗi điểm bán. Trong niên độ tài chính 2014 - 2015, doanh thu của chuỗi này đạt hơn 13.500 tỷ đồng.

Năm 2015, TCC Holdings mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD.

TCC Holdings chính là công ty con thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, người đã từng mua lại hãng Bia Sài Gòn - Sabeco.

Sau khi về tay người Thái, Metro đã được đổi tên thành Mega Market Việt Nam nhưng vẫn duy trì mô hình đại siêu thị với 19 trung tâm hoạt động.

Số liệu tài chính gần nhất mà công ty này công bố là hồi năm năm 2016, theo đó toàn hệ thống đạt 11.700 tỷ đồng doanh thu, nhưng lỗ ròng 110 tỷ đồng.

Tuy tình hình kinh doanh không mấy khả quan, nhưng doanh nghiệp vẫn tích cực trong việc đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu. Cuối tháng 10, Vietnam Report đã công bố MM Mega Market đứng vị trí thứ 3 trong top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2020 bên cạnh các tên tuổi bán lẻ lâu năm khác trên thị trường. 

Nhựa Bình Minh chiếm thị phần ống nhựa lớn nhất cả nước nhưng khó tăng trưởng đột phá

Trước khi thông báo mua lại hơn 94% cổ phần của CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI), doanh nghiệp chuyên làm bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestlé... Tập đoàn Siam Cement (SCG) hoàn tất nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) lên hơn 54%.

Các thương hiệu Việt sau khi về tay người Thái: Sabeco từng lãi kỷ lục, Metro vẫn chật vật trên thị trường - Ảnh 3.

Mức tăng trưởng đột biến của BMP là khó xảy ra trong năm nay. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Sự tham gia của người Thái đã giúp chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp nhựa này tiết giảm rất nhiều, đồng thời có mức tăng trưởng khả quan.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.130 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 153 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 5,7% và 28% so với cùng kỳ 2019.

Lũy kế 9 tháng, công ty ước đạt doanh thu 3.400 tỷ đồng, sản lượng 80.000 tấn, tăng lần lượt 7% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí vận hành, Nhựa Bình Minh lãi ròng 412 tỷ đồng, hoàn thành 74% kế hoạch kinh doanh cho năm 2020. Mức tăng trưởng đột biến của BMP là khó xảy ra trong năm nay.

Tính đến cuối năm 2019, Nhựa Bình Minh là nhà sản xuất ống nhựa với thị phần lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 28%. 

Báo cáo thường niên 2019 cho thấy một số sản phẩm của BMP đã thâm nhập vững chắc vào các nước Đông Nam Á, thông qua mạng lưới phân phối của tập đoàn SCG. 

Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2020, BMP tiếp tục góp mặt và 8 năm liền xuất hiện trong danh sách đánh giá của Forbes Việt Nam. Giá trị vốn hóa của công ty hiện đạt hơn 4.500 tỉ đồng, tăng gần 22% so với thời điểm đầu năm.


chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.