Hái lộc đêm giao thừa hay đầu năm là một trong những hoạt động thường niên và là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Lộc là nụ đầu tiên hay mầm non mới nhú. Hái lộc là hành động ngắt lấy một cành cây (thường là đào, mai, si, sung, đa,...) nhỏ ở đình chùa, đền phủ rồi nâng niu mang về nhà.
Người ta quan niệm rằng, những cành lộc non vừa có sức sống mạnh mẽ, vừa là biểu tượng của mùa xuân, của sự sinh trưởng và nảy nở, khi được mang về nhà trong đêm giao thừa hoặc ngày đầu năm, sẽ mang lại những ý nghĩa tốt đẹp cho cả gia đình trong năm tới.
Đặc biệt, trong thời khắc giao hòa đất trời, giữa năm cũ và năm mới như đêm giao thừa thì việc làm này cũng tương tự như việc bạn đang rước tài lộc, may mắn về cho bản thân và gia đình. Đồng thời, việc này cũng mang ý nghĩa ''tống cố, nghênh tân” - xua đi những điều không may mắn trong năm cũ và mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Ngoài ra, việc xin lộc, hái lộc ở các đình chùa, đền phủ hay nơi chốn thiêng liên khác sẽ mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho để cả năm thuận lợi, phát tài phát lộc.
Những năm gần đây, hoạt động hái lộc đêm giao thừa hoặc vào những ngày đầu năm vẫn được đông đảo mọi người chờ đón. Tuy nhiên, vì số lượng người xin lộc quá đông nên những cành lộc mà các đền, chùa, miếu chuẩn bị thường không đủ để phát hết cho tất cả. Vì thế, một số người có xu hướng bẻ, nhổ, chặt những cành cây từ to đến nhỏ ở các nơi thờ cúng, đền chùa linh thiêng với hy vọng đem được lộc về nhà. Kết quả là sau những ngày đầu năm mới, sân vườn của những nơi này “ngổn ngang” những cái cây trơ trọi, cành cây bị bẻ vứt khắp nơi, ngay mất mỹ quan và phần nào làm phong tục hái lộc trở nên tiêu cực, biến tướng trong mắt mọi người.
Thay vì hái lộc một cách vô tội vạ như trên, bạn có thể “hái lộc” một cách văn minh và bảo vệ cảnh quan đền chùa bằng cách riêng của mình. Hãy bỏ đi suy nghĩ “cành càng to thì sẽ càng may mắn”, hay việc “hái lộc” là phải bẻ cây, bẻ cành. Việc lên chùa xin lộc thì “lộc” có thể được coi là sức khỏe, con cái, bình an,… và “hái lộc” nên được hiểu theo nghĩa tinh thần, tương tự như việc cầu khấn, một quẻ xăm đầu năm hay bao lì xì.
Nét đẹp hái lộc đầu xuân theo các cụ xưa là gặt hái quả phúc, hỷ lạc,… xuất phát từ bản tâm, hành động, lời nói và ý nghĩ thiện lành. Có như thế “lộc” hái được, nhận được mới thật sự tốt đẹp và lợi ích. Muốn có cuộc sống tốt đẹp, hưởng lộc nhiều, phước nhiều cần phải gieo nhiều nhân lành. Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ, nói và làm các việc thiện.
Dưới đây là một số địa điểm hái lộc đêm giao thừa nổi tiếng ở ba miền mà bạn có thể ghé thăm trong ngày đầu năm mới 2022:
Nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ (xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), đền Bà Chúa Kho ây không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là nơi hàng ngàn người hành hương về trong dịp năm mới để xin lộc. Người dân quan niệm, "đầu năm đến vay Bà, cuối năm trả nợ" sẽ giúp việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi. Tùy theo mức độ "vay vốn" nhiều hay ít mà người đi sẽ sắp lễ to hay nhỏ.
Tọa lạc trên đường Trần Thừa (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn ngày Rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng, có Ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp. Tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 - 24h của ngày 14 tháng Giêng. Vì vậy, hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần để mong xin được Ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm, người dân phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu.
Chùa Linh Ứng nằm ở bán đảo Sơn Trà, thuộc thành phố Đà Nẵng, là một trong những nơi có tượng Quan Thế Âm được xem là lớn nhất của Đông Nam Á. Dịp đầu năm, người dân Đà Nẵng nói riêng và khách du lịch đều ưu ái rủ nhau đến đây cầu bình an, may mắn, hái lộc.
Chùa Từ Đàm tọa lạc trên một khu đất cao nằm trên đỉnh dốc Bến Ngự, cạnh lăng mộ cụ Phan Bội Châu, số 1 đường Sư Liễu Quán, thuộc phường Trường An. Đây là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất xứ Huế, có niên đại lâu đời, cũng như nét kiến trúc cổ kính và nên thơ. Người dân Huế và khách thập phương thường tới đây vào dịp đầu năm để hái lộc, cầu bình an cho gia đình.
Toạ lạc ở độ cao 200 mét so với mực nước biển, Chùa Bà Đen hay Linh Sơn Tiên Thạch Tự, tỉnh Tây Ninh được đông đảo du khách lẫn người dân địa phương ghé thăm mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây là nơi thờ tự Bà Đen - tức Linh Sơn Thánh Mẫu - Tiêu Diện, Phật Thích Ca, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Quan Âm, Thập Bát La Hán cùng nhiều vị Bồ Tát khác. Mỗi dịp tết đến xuân về hàng năm, tòa thánh lại là nơi đón hàng ngàn người đổ về đây để cầu nguyện, xin một năm may mắn, bình an, hạnh phúc và hanh thông cho bản thân họ và những người thân yêu.
Chùa Giác Lâm tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, Quận Tân Bình. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1988. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi chùa này vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp uy nghiêm và chứa đựng nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc nổi tiếng. Hàng năm cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, chùa Giác Lâm lại đón tiếp hàng ngàn du khách thập phương đến chiêm bái, đi lễ Phật cầu bình an, may mắn cho năm mới.