Cầu thang là một phần kiến trúc quan trọng và là nơi kết nối giữa các tầng trong căn nhà. Vì thế, để phù hợp với phong thủy cầu thang, nó phải được đặt ở nơi có cung “lành” và hướng tốt. Một cầu thang có kích thước tiêu chuẩn hợp phong thủy cần phải có những chỉ số kích thước phù hợp:
- Chiều cao của cầu thang: Chiều cao của cầu thang phụ thuộc khá nhiều vào chiều cao thông thủy của căn nhà. Thông thường, chiều cao theo tiêu chuẩn của cầu thang là 3,6m với số bậc khoảng 19- 24 bậc.
- Độ rộng của một vế thang: Đây là chỉ số mà nhiều người quan tâm nhất bởi độ rộng của cầu thang không thể quá lớn sẽ chiếm diện tích nhiều, còn nếu quá nhỏ sẽ cản trở việc di chuyển. Do vậy, độ rộng để một người có thể di chuyển thoải mái là 60cm. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc di chuyển đồ đạc, độ rộng tối thiểu của cầu thang nên là 90cm.
- Độ dốc cầu thang: Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn trong lúc di chuyển của thành viên trong nhà. Với các kiến trúc nhà ở dân dụng, độ dốc cầu thang sẽ rơi vào khoảng 18 - 45 độ. Trong đó, độ dốc hợp lý nhất là khoảng 33 - 36 độ. Bên cạnh đó, các thiết kế cầu thang xoắn ốc thì độ dốc tốt nhất là 45 độ.
- Chiều rộng mặt bậc: Một trong những chỉ số được nhiều người quan tâm nhất đó chính là diện tích tiếp xúc của bàn chân với cầu thang. Thông thường, chiều rộng tối thiểu là 25cm và không vượt quá 30cm. Nếu vượt quá số đo này, cầu thang sẽ bị mất cân đối và ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ dốc và chiều cao.
- Độ cao cổ bậc: Để có thể di chuyển một cách thoải mái và dễ dàng, độ cao cổ bậc thường được thiết kế trong khoảng 15 - 18cm. Nếu vượt quá 18cm, người sử dụng sẽ rất dễ bị mỏi khi leo thang, hoặc sẽ rất nguy hiểm hơn nếu bị trượt ngã.
- Gờ mặt bậc cầu thang: Đây là phần nhô ra khỏi mỗi bậc thang, có tác dụng ngăn nước đọng lại trên bề mặt và tăng tính thẩm mỹ cho cầu thang. Với chi tiết này, độ nhô ra hợp lý là 2cm.
- Độ cao của lan can, tay vịn: Chiều cao lan can hoặc tay vịn an toàn cho cả người lớn và trẻ em thường là 1,1m. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chiều cao lan can không thể thấp hơn 90cm.
- Chiếu nghỉ cầu thang: Đây là một chi tiết đặc biệt, có tác dụng để mọi người nghỉ ngơi khi cầu thang quá dài, giúp giảm tình trạng mất sức khi leo thang. Theo đó, cứ 11 bậc thang sẽ được bố trí một chiếu nghỉ và độ rộng tối thiểu của một chiếu nghỉ là 90cm.
Ảnh: Kiến trúc Apollo
Bên cạnh những thông số kích thước cầu thang theo phong thủy như trên, số bậc cầu thang cũng quan trọng không kém trong thiết kế lẫn phong thủy nhà ở. Theo đó, gia đình có thể tính bậc cầu thang phong thủy theo vòng trường sinh (bao gồm: Sinh - Lão - Bệnh - Tử). Cụ thể như sau:
- Bậc 1 là Sinh
- Bậc 2 là Lão
- Bậc 3 là Bệnh
- Bậc 4 là Tử
- Bậc 5 lại quay về bậc Sinh và tiếp tục tính như vậy cho đến bậc cuối cùng của cầu thang. Trong trường hợp cầu thang có chiếu nghỉ thì vẫn được tính tương tự như một bậc thang.
Cách tính bậc cầu thang phong thủy theo vòng trường sinh. (Ảnh: Tạp chí Nội thất Online)
Như vậy, các kiến trúc sư đã tính toán được số bậc cầu thang hợp phong thủy theo công thức vô cùng đơn giản: Số bậc = 4n +1. Theo đó, số bậc thang sẽ là những số lẻ như là 17, 19, 21, 23, 25,...
Tuy nhiên, vì quan niệm “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” nên các gia đình thường chọn cung “Sinh” làm bậc thang cuối cùng nhằm thu hút vượng khí và vận may cho gia đình. Bên cạnh đó, cung “Lão” cũng là một cung tốt bởi nó mang ý nghĩa sống lâu trăm tuổi, song lại gần cung “Bệnh” nên không được lựa chọn nhiều.
Thực tế, nhiều gia đình sau khi đã hoàn thiện cầu thang, xây xong nhà cửa, gia chủ mới phát hiện ra kích thước cầu thang không phù hợp với phong thủy. Để hóa giải điềm xấu này, chủ nhà có thể áp dụng phương pháp tạo bậc thang giả để số bậc cầu thang vừa tròn cung “Sinh”. Cụ thể phương pháp tạo bậc thang giả như sau:
- Sử dụng thảm trải sàn đặt ở nền dưới chân cầu thang hoặc nền trên cùng của cầu thang
- Đặt thêm từ 1 đến 3 tấm thảm để tạo số lượng bậc vào đúng cung đẹp, tránh cung “Tử”
- Khi bước trên cầu thang, thành viên trong nhà cần chú ý phải bước cả vào tấm thảm
- Cố định thảm ở đúng một vị trí, không để thảm bị xê dịch hoặc lệch khỏi vị trí chân khi di chuyển
Ảnh: Bách hóa xanh
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.