Việc cấm dạy thêm, học thêm tại TP HCM đang có nhiều ý kiến trái chiều. |
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào Tạo (GD&ĐT) vào sáng 7/6, Bí thư Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo Giám đốc Sở GD&ĐT chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy thêm, học thêm trong năm học này. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT TP HCM đã có công văn gửi tất cả các trường học trên địa bàn, nêu rõ từ năm học 2016-2017 sẽ chấm dứt việc tổ chức dạy thêm học thêm trong tất cả các trường học theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và chấp thuận của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo Sở GD&ĐT TP HCM, hạn chót là đến ngày 30/9, hiệu trưởng các trường học phải lập hồ sơ, đề nghị cơ quan quản lý thu hồi giấy phép dạy thêm học thêm của nhà trường gửi về Sở để ban hành quyết định giải thể. Ngay khi quy định vừa được đưa ra đã có rất nhiều những tranh luận xung quanh vấn đề này. Suốt hơn một tháng qua, vấn đề vẫn tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có không ít ý kiến từ chính những người đang làm công tác giáo dục.
Những người trong nghề đã có chia sẻ với PV Việt Nam Mới về việc cấm dạy thêm, học thêm ngay khi năm học mới vừa bắt đầu.
Trả học thêm về đúng bản chất
Năm học mới đã bắt đầu, việc cấm dạy thêm học thêm đang được nhiều giáo viên, phụ huynh quan tâm đặc biệt. |
Đó là ý kiến của PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó Trưởng Khoa Văn học và Ngôn Ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.
PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh nhìn nhận: “Không thể chấm dứt chuyện học thêm, vì đó là bản chất của giáo dục. Bản chất của giáo dục là tạo ra môi trường học tập và chất lượng học tập ngang bằng cho tất cả học sinh vào giờ lên lớp, mà học sinh thì có nhiều dạng, năng lực tiếp thu khác nhau, thời gian ở trường không thể đủ cho tất cả các em. Dạy thêm sẽ bổ khuyết cho sự thiếu đó. Em nào yếu thì cần thời gian phụ đạo, gia đình nào khá giả, học sinh khá giỏi muốn vượt lên chương trình ở trường thì cũng cần học thêm. Vấn đề quan trọng là trả về cho việc dạy thêm đúng bản chất của nó, với 2 mục đích là hỗ trợ học sinh yếu và thúc đẩy, phát huy năng lực các em khá giỏi. Bản chất của việc dạy thêm cũng là để cải thiện thu nhập (ngay cả những nước giàu, lương giáo viên chỉ ổn định chứ không cao, họ cũng muốn tăng thu nhập)”.
“Để quay về với bản chất đúng của việc học thêm, dạy thêm, chúng ta lại quay về với bài toán cải cách giáo dục mà sâu xa nhất là thay đổi hoặc làm rõ triết lý giáo dục (tức là giáo dục của chúng ta là nhằm làm gì, hướng đến ai, phương tiện thế nào?), còn cụ thể hơn, là tăng lương cho giáo viên và giảm bớt tính lý thuyết trong sách giáo khoa, hướng đến tính thực hành, lúc đó học thêm sẽ trở về đúng bản chất chứ không phải là trò học thêm để biết đề thi, hay công cụ của người thầy sử dụng để buộc học trò nghe lời mình (mặc dù tôi nói thật, điều này là hiếm chứ không nhiều đâu)”, PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ.
Ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh
Nhiều giáo viên cho rằng, việc cấm dạy thêm, học thêm sẽ ảnh hưởng đến các em học sinh. Đặc biệt là học sinh cấp 3, khi phải chuẩn bị kiến thức cho các kì thi quan trọng. |
Chia sẻ về việc cấm dạy thêm, học thêm tại TP HCM, cô Bùi Thị Thùy (giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7) cho biết: “Việc cấm dạy thêm trong và ngoài nhà trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh và thầy cô”.
Cô Thùy đưa ra quan điểm: Thứ nhất, phải tuỳ vào từng đối tượng học sinh và các cấp học cụ thể. Ở môi trường cấp 1,2 các em không cần học quá nhiều nhưng cấp 3 lại liên quan đến những kì thi quan trọng quyết định cả cuộc đời các em trong khi lượng kiến thức quá nhiều. Hơn nữa, việc học là do các em lựa chọn không thầy cô nào can thiệp được.
Thứ hai, việc dạy thêm, học thêm đều có sự quản lí của nhà trường với một khung chương trình phù hợp để các em có đủ kiến thức cần thiết nhưng dùng cách cấm chính là đang ép các thầy cô vào những tình thế khó. Kiến thức nhiều lại hay thay đổi, sách giáo khoa không đổi mới. Nếu không có những tiết dạy thêm giáo viên sẽ làm cách nào giải quyết hết lượng kiến thức đó?
“Tôi nghĩ phải nhìn vào từng cấp học để có quy định cấm dạy thêm học thêm cho phù hợp. Với học sinh cấp 3, giáo viên rất khó khăn trong việc dạy nếu cấm dạy thêm học thêm. Còn kêu các em ra trung tâm, ai quản lí? Các trung tâm mở ra thuê ngược lại giáo viên, mỗi người dạy một kiểu. Chính giáo viên cũng cảm thấy bị tổn thương khi mình bị coi thường”, cô Thùy tâm sự.
Chuyện dạy thêm không nên cấm
Học sinh tiểu học tại một trường ở Đồng Nai |
Cô Nguyễn Thị Hòa (giáo viên Tiểu học Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã có nhận định như vậy khi trao đổi với PV Việt Nam Mới. “Mặc dù ở tỉnh khác vẫn chưa có chuyện cấm dạy thêm học thêm nhưng với quy định ở TP HCM, theo tôi chuyện dạy thêm là không nên cấm. Mọi người đều sợ tiêu cực nên cấm nhưng nhiều giáo viên, trong đó có bản thân tôi, 10 năm đi dạy đến nay chưa hề biết thế nào là “đì” một học sinh. Cá nhân tôi nghĩ nếu trường nào đã tổ chức cho học sinh học 2 buổi trong ngày rồi thì giáo viên không nên dạy thêm nữa”, cô Thùy nêu ý kiến.
Cũng theo cô Hòa, ở Biên Hòa năm ngoái có trường dạy 2 buổi trong ngày, đến 3 giờ lại theo về nhà cô để học thêm. Với học sinh tiểu học, như vậy là rất tội. Riêng với những trường học chỉ 1 buổi trong ngày thì nên để giáo viên giữ trẻ, dạy buổi chiều để đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh. Phụ huynh không thể thu xếp nên mới nhờ đến giáo viên. Nếu không nhờ giáo viên, phụ huynh vẫn phải thuê gia sư khác. Mặt khác, không cho giáo viên dạy thêm thì hãy nâng lương cho giáo viên đủ sống. Mức lương 10 năm sau ra trường của tôi hiện giờ cũng rất chật vật trong việc nuôi hai con đang tuổi ăn học. Người ta vẫn nói nghề giáo cao quý nhưng giáo viên cũng phải sống chứ!”.
Thủy Nguyên (ghi)