Hàng rào kĩ thuật đối với thương mại (TBT) là các tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu, hoặc qui trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật đó.
Trên thực tế, đồ uống là đối tượng của khá nhiều các biện pháp TBT (ví dụ bao gói, thông tin ghi nhãn…).
Chương TBT của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chủ yếu nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc WTO về TBT (Các nước có quyền ban hành TBT nhưng phải dựa trên các căn cứ khoa học xác đáng, khi soạn thảo phải lấy ý kiến bình luận, khi áp dụng phải công bằng không phân biệt đối xử…) và bổ sung thêm một số chi tiết liên quan tới các yêu cầu về minh bạch trong WTO.
Ngoài ra, CTPPP có một số cam kết mới về TBT, trong đó có một số nội dung có thể có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu đồ uống:
Cam kết liên quan tới tổ chức đánh giá sự phù hợp: Các nước CPTPP không được đối xử phân biệt giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp đặt trụ sở tại các nước CPTPP, với các tổ chức đặt trụ sở tại lãnh thổ nước mình, không được yêu cầu các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đặt trụ sở hay đặt văn phòng đại diện trên lãnh thổ nước mình.
Về TBT đối với một số loại hàng hóa cụ thể: CPTPP có Phụ lục về các nguyên tắc ràng buộc các nước khi ban hành các qui định TBT đối với 7 nhóm hàng hóa, trong đó Phụ lục về Rượu vang – Rượu chưng cất, dự kiến sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động xuất nhập khẩu rượu giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP.
Phụ lục này bao gồm một số ràng buộc đối với các nước Thành viên khi ban hành các TBT có liên quan tới rượu vang và rượu chưng cất (chủ yếu là về ghi nhãn), trong đó có một số yêu cầu đáng chú ý:
- Có quyền yêu cầu nhãn rượu phải được gắn chắc chắn.
- Phải cho phép gắn nhãn bổ sung lên thùng chứa rượu chưng cất nhập khẩu sau khi nhập khẩu nhưng trước khi đưa sản phẩm ra bán tại lãnh thổ của Bên đó, và có thể yêu cầu nhà cung cấp gắn nhãn bổ sung trước khi giải phóng hàng.
- Phải cho phép hàm lượng cồn theo thể tích ghi trên nhãn được thể hiện bằng alc/vol, ví dụ 12% alc/vol hoặc alc12% vol, và được biểu thị theo thuật ngữ tỉ lệ phần trăm tối đa là một dấu thập phân, ví dụ 12,1%.
- Phải cho phép sử dụng thuật ngữ "rượu vang" như là tên một sản phẩm.
- Phải chấp nhận bất kì thông tin nào xuất hiện bên ngoài khu vực dễ nhận biết thông tin ghi nhãn nếu thông tin này đáp ứng các luật, qui định và yêu cầu nội địa.
- Nếu yêu cầu nhãn rượu vang phải ghi các thông tin khác ngoài tên sản phẩm, nước xuất xứ, thể tích thực, nồng độ cồn thì phải cho phép ghi các thông tin đó trên nhãn phụ gắn với thùng chứa rượu.
- Phải cho phép đặt mã nhận diện lô trên thùng chứa rượu vang và rượu chưng cất, nếu mã này rõ ràng, cụ thể, trung thực, chính xác và không gây hiểu lầm.
- Không được yêu cầu phải thể hiện bất kì thông tin nào dưới đây trên thùng chứa, nhãn hiệu hoặc bao bì của rượu vang hoặc rượu chưng cất: ngày sản xuất, ngày hết hạn, thời hạn sử dụng tốt nhất, hoặc ngày bán.
Ngoại trừ việc một Bên có thể yêu cầu một nhà cung cấp ghi thời hạn sử dụng tốt nhất, hoặc ngày hết hạn trên những sản phẩm có thể có thời hạn sử dụng tốt nhất, hay ngày hết hạn ngắn hơn mức kì vọng của người tiêu dùng vì một số lí do liệt kê.
- Không được yêu cầu dịch một thương hiệu hoặc tên thương mại trên thùng chứa, nhãn hoặc bao bì của rượu vang hoặc rượu chưng cất.
- Không được yêu cầu tiết lộ qui trình sản xuất trên nhãn rượu vang hoặc thùng chứa rượu, trừ khi để đáp ứng một mục tiêu hợp pháp (về sức khỏe hoặc sự an toàn của con người gắn với qui trình sản xuất này).
- Phải cho phép rượu được dán nhãn là Icewine, ice wine, ice-wine (khi rượu được làm hoàn toàn từ nho đông lạnh tự nhiên trên giàn).
- Phải cho phép nộp bất kì giấy chứng nhận, kết quả thử nghiệm hoặc mẫu nào cần thiết của một nhãn hiệu, nhà sản xuất và lô cụ thể; nếu cần nộp mẫu sản phẩm để đánh giá sự phù hợp thì không được yêu cầu số lượng mẫu lớn hơn mức cần thiết tối thiểu.