Cận cảnh KCN hơn 500 ha đang thu hút doanh nghiệp ở ven biển Nam Định

KCN Dệt may Rạng Đông giai đoạn 1 có diện tích gần 520 ha, kết nối trực tiếp với nhiều tuyến đường thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Sơ đồ vị trí KCN Rạng Đông giai đoạn 1 rộng 520 ha.

 Nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ đang được tỉnh trình Chính phủ phê duyệt, Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông được phát triển trên tổng diện tích gần 2.200 ha, gồm 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư sản xuất 1 tỉ mét vải trên diện tích 519,6 ha. Giai đoạn 2, nâng sản lượng vải lên 1,5 tỷ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850 ha. Giai đoạn 3, hình thành đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại trên diện tích 675 ha. 

 KCN Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) giai đoạn 1 ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có diện tích gần 520 ha. Dự án có vị trí ở cuối đường 490 - đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định.

Hạ tầng KCN dệt may Rạng Đông được khởi công vào năm 2017 gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, nhà máy cung cấp nước sạch có tổng công suất thiết kế 170.000m/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải có tổng công suất thiết kế 110.000m3 / ngày đêm.  

 Đến nay, KCN Dệt may Rạng Đông đã thu hút nhiều dự án đầu tư FDI lớn, nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích lên tới gần 40%, với quy mô tổng giá trị vốn đầu tư gần 400 triệu USD; dự kiến tạo việc làm cho gần 10 nghìn lao động. 

Điển hình như: Dự án Công ty TNHH Top Textiles, sản xuất các sản phẩm sợi vải của Tập đoàn Toray (Nhật Bản), với diện tích 31,2ha; tổng mức đầu tư 203 triệu USD; tổng công suất dự kiến của toàn bộ dự án đạt 120 triệu mét vải/năm; dự kiến tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Dự án Yi Da Denim Mill (VN) Co., LTD, của Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, với diện tích trên 24,1ha; dự kiến công suất mỗi năm của dự án đạt 55 triệu m² vải có nhuộm, 5 triệu m² vải không nhuộm và 20 triệu sản phẩm quần áo… (dự kiến dự án sẽ mở rộng lên đến 200 triệu USD). Dự án nhà máy nhuộm không nước Jehong Textile Enunic (Đài Loan), tập trung vào lĩnh vực nhuộm vải hoàn tất và sản xuất vải dệt thoi; tổng vốn đầu tư hơn 6 triệu USD, với diện tích 3,06ha; dự kiến công suất trung bình 16,5 triệu m/năm, trong đó nhuộm vải cotton công suất 9,9 triệu m/năm và nhuộm vải polyester công suất 6,6 triệu m/năm, tạo việc làm cho hơn 320 lao động. Dự án Sanbang Pte. Ltd (Singapore), sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY, tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD; với diện tích trên 10,3ha; công suất dự kiến mỗi năm đạt 15 nghìn tấn khăn, 14 triệu mét vải dệt, 15 nghìn tấn sợi DTY. Dự án nhà máy may Xielong (Trung Quốc), sản xuất vải lưới, đế giầy, tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, với diện tích 6,13ha; dự kiến tổng công suất mỗi năm của dự án đạt 8,872 triệu kg vải lưới và 31,5 triệu đôi vải lưới hình giày (đế giày)... Các dự án này đã được cấp giấy phép, đang triển khai và sớm đi vào hoạt động.

Theo tìm hiểu, ngày 30/6/2015 UBND tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận cho Công ty CP Đầu tư Vinatex làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông, kêu gọi đầu tư với định hướng xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông thành khu liên hợp dệt may công nghệ cao, khép kín từ khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu ngành may đến hoàn tất sản phẩm. 

 Ngày 13/11/2015 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN. Tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng KCN là trên 4.628 tỷ 842 triệu đồng.  

 Khi dự án đi vào hoạt động được kỳ vọng giải quyết việc làm cho khoảng 6 vạn lao động, giá trị sản xuất, kinh doanh hằng năm trên 2,5 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 100 triệu USD/năm. 

 Dự án được xem là một giải pháp đột phá thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân; hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội được hoàn thiện; tạo cơ hội để tỉnh trở thành một trong những trung tâm dệt may thời trang của cả nước; đồng thời góp phần tạo thế cạnh tranh thương mại trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của tỉnh Nam Định.

Đường trục chính của dự án KCN Dệt may Rạng Đông có chiều rộng mặt cắt 62 m, các đường nhánh trong khu công nghiệp có chiều rộng mặt cắt từ 21,5 m đến 31 m.

 

  Bên cạnh hạ tầng kỹ thuật được đầu tư chất lượng thì không gian sống tại khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông cũng phát triển hệ thống tiện ích an sinh như: trường học, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng; trung tâm hỗ trợ và tư vấn lao động; khu nhà ở công nhân; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; nhà hàng, cà phê cùng các dịch vụ ẩm thực khác…