LTS: Là một nhà giáo đang giảng dạy và quản lý ở một trường Trung học phổ thông, tác giả Sông Trà đưa ra một vài ý kiến về việc vận dụng các hình thức kiểm tra, thi học kỳ cho học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường Trung học phổ thông của cả nước đang gấp rút soạn thảo và ban hành hướng dẫn kiểm tra thi hết học kỳ 1 năm học 2016-2017 khi thời gian áp dụng theo cách chức thi mới đang đến gần.
Để chấn chỉnh tình trạng một số địa phương, trường Trung học phổ thông có thể tuyệt đối hóa trong việc kiểm tra, thi học kỳ theo hình thức trắc nghiệm khách quan 100%, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị về hướng dẫn việc kiểm tra và sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017.
Theo đó, về kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra học kỳ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tại Công văn số 4325/BGDĐT-GDTrH ngày 1/9/2016 về dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Tuân thủ việc xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ).
Học sinh đang làm bài kiểm tra. (Ảnh: zing.vn) |
Nếu không có văn bản hướng dẫn, nhắc nhở ấy dễ dẫn đến việc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông tùy tiện, sa đà vào kiểm tra, thi theo hình thức trắc nghiệm chỉ để đáp ứng, đối phó với những đổi mới, cải tiến thi THPT quốc gia năm nay.Là một nhà giáo đang giảng dạy và quản lý ở một trường Trung học phổ thông, tôi hoan nghênh chỉ thị kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra, thi ở học kỳ 1 để việc kiểm tra định kỳ 1 tiết và thi học kỳ đi đúng hướng, học sinh tiếp tục được rèn luyện, thử sức với những thế mạnh, ưu điểm của kiểm tra tự luận và kiểm tra trắc nghiệm.
Cô Hồ Thị Hồng Thủy, giáo viên, trường THPT chuyên Hùng Vương cho rằng: "Qua thực tiễn chứng minh, hình thức tự luận đối với mọi môn học vẫn cần thiết và quan trọng trong quá trình dạy-học, phát triển, nâng cao năng lực toàn diện cho học sinh, nhất là khả năng tư duy, diễn đạt, lập luận mạch lạc, lôgic.
Chủ trương, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phù hợp, sát thực, các nhà trường, thầy cô giáo cần triển khai, thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng nói một đằng, làm một nẻo”.
Cách đây mấy ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đã có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể về thi học kỳ 1 đến 39 trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ba môn: Toán, Văn, Tiếng Anh của lớp 12 thi theo đề chung của Sở, các môn thi còn lại và ở lớp 10 và 11, các trường tự tổ chức kiểm tra trong 2 tuần 18 và 19.
Các đề thi học kỳ 1 ra đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan với tỉ lệ 20-30% câu hỏi tự luận, 70-80% câu hỏi trắc nghiệm.
Đáng mừng nữa, Bộ đã và đang tích cực mở các tập huấn cho các Sở về hướng dẫn việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa.
Đến nay, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo ít nhất có 2 đợt các giáo viên cốt cán các bộ môn được tập dượt, làm đề, ma trận theo hình thức mới dưới sự hướng dẫn, đánh giá của những chuyên gia khảo thí.
Nhiều giáo viên các trường, địa phương rất hứng thú khi tham gia các lớp tập huấn vô cùng bổ ích và cần thiết này.
"Ở nhà mày mò, đọc các tài liệu, các đề trắc nghiệm mẫu chẳng ăn thua gì, có tập huấn, làm trực tiếp mới thấy công việc ra đề thật khó nhọc, để đạt chuẩn, có những câu hay, tạo độ nhiễu cao không giản đơn tí nào.
Trước những cải tiến, yêu cầu mới của giáo dục, của thi cử, thầy cô giáo phải theo guồng, nếu dừng lại thì dễ lạc hậu, không đáp ứng nổi” - thầy Từ Tấn Phúc, tổ trưởng tổ Hóa, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi), thành viên tổ bộ môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi chia sẻ.
Đến các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần chủ động tổ chức tập huấn lại một cách nghiêm túc, bài bản cho các cơ sở giáo dục và giáo viên thực hiện việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo quy trình ra đề chuẩn hóa đúng hướng dẫn của Bộ.
Bộ, các Sở, các trường, thầy cô giáo cùng chuyển động, với tinh thần, quyết tâm cao nhất, chắc chắn sẽ có những mùa kiểm tra, thi cử thành công, những sai sót, non nớt trong khâu ra đề sẽ được giảm thiểu tối đa.