Nhà đầu tư qua sơ tuyển nhưng khó đủ vốn
Trình bày báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư nào qua được vòng sơ tuyển.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng. Trong khi đó, việc huy động vốn qua kênh tín dụng trong nước gặp khó khăn do hệ số an toàn (CAR) của các tổ chức tín dụng đã chạm ngưỡng cho phép. Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ không lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư không thể huy động được nguồn vốn tín dụng trong thời gian tới.
Chính phủ cho rằng việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng GDP, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cho thấy vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với Tờ trình của Chính phủ với các lý do việc cấp tín dụng cho các dự án BOT tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Theo dự kiến đến năm 2022 các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ.
Việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng làm tổng mức đầu tư giảm 3.020 tỷ đồng (từ 102.513 tỷ đồng xuống còn 99.493), trong đó sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, số còn lại 44.493 tỷ đồng sẽ được bố trí trong giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc tập trung bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia quy định của Luật Đầu tư công là hoàn toàn khả thi.
Loại ý kiến thứ 2 bày tỏ không tán thành vì chưa báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển đổi hình thức đầu tư. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 52, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ lại trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư toàn bộ Dự án sang hình thức đầu tư công là không phù hợp.
Thực tế cho thấy các dự án đầu tư công trong thời gian vừa qua để xảy ra tình trạng thời gian bị kéo dài, đội vốn và chất lượng công trình không bảo đảm, trong khi các dự án của các nhà đầu tư tư nhân có chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban này đồng ý theo hướng trong trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại; đồng thời, bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho Dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.
Dù chưa đấu thầu, song báo cáo tại phiên thảo luận, cả Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng khả năng huy động tín dụng của các nhà đầu tư qua sơ tuyển là rất khó khả thi, do đó trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hướng tháo gỡ.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đây là những dự án rất quan trọng và đầu tư theo PPP là chủ trương rất lớn, do đó phải bám sát Nghị quyết của Quốc hội. Nếu Chính phủ chỉ trình 1 dự án thành phần không có nhà đầu tư (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết được ngay, rồi tiếp đến có thể xem xét thêm một hai dự án có khó khăn khác, tuy nhiên việc chuyển cùng lúc cả 8 dự án sang hình thức đầu tư công là rất khó, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại “phiên họp 45B” (giữa hai đợt Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội) xem xét, nếu “đủ độ chín” thì mới trình xin ý kiến Quốc hội.