Cao tốc, sân bay, cảng biển được ưu tiên đầu tư từ nay đến 2030 tạo sức bật cho nền kinh tế

Đến năm 2030, dự kiến sẽ đầu tư khoảng 5.000 km đường cao tốc, một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối liên vùng; các sân bay quốc tế cửa ngõ (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành), các cụm cảng biển lớn (Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu...); đầu tư đồng bộ các cảng và luồng đường thủy quan trọng kết nối với cụm cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ; khởi công hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối với cụm cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường các giải pháp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng để không ùn tắc giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Phản hồi vấn đề trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải. Riêng quy hoạch về hàng không đã được Bộ hoàn chỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Giai đoạn 2021 - 2030, hạ tầng giao thông cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đẩy mạnh đầu tư cho từng lĩnh vực khác nhau.

Với các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến cao tốc kết nối với cảng biển, cửa khẩu quốc tế chính như: Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Mộc Bài…, tuyến đường vành đai 3, 4, 5 vùng Hà Nội; vành đai 3, 4 vùng TP HCM.

Vành đai 4 Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2027. (Đồ họa: Đức Bùi).

Đối với các quốc lộ, tập trung hoàn thiện tất cả các điểm nghẽn kết nối đường bộ với các ngành giao thông vận tải khác, đặc biệt tập trung tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế chính. Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành đầu tư 12 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam, 19 đoạn cao tốc khác với tổng chiều dài khoảng 2.010 km.

Về hệ thống đường sắt, trong giai đoạn này sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang), nghiên cứu để bắt đầu xây dựng một số đoạn của các tuyến đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên nghiên cứu chuẩn bị để đầu tư các tuyến kết nối với cảng biển (Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải), đường sắt tốc độ cao; đầu tư nối ray Lào Cai - Hà Khẩu; cải tạo nâng cấp tuyến Hà Nội - TP HCM.

Đối với hạ tầng ngành hàng không, các cơ quan đơn vị tập trung đầu tư các cảng hàng không quốc tế như Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài; từng bước đầu tư nâng cấp các cảng hàng không khác theo nhu cầu.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: ACV).

Trong giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên đầu tư nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đầu tư mở rộng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, sân bay Điện Biên, Côn Đảo… 

Về đường thủy nội địa, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng luồng tuyến và cảng bến đối với các tuyến vận tải container bằng đường thủy nội địa kết nối với hệ thống cảng biển Hải Phòng và khu vực TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hoàn thành đầu tư các công trình trọng điểm trên các tuyến vận tải thủy chính khu vực miền Bắc, miền Nam như duy tu nạo vét luồng số 1 để khai thác vận tải container từ Hải Phòng đến Phú Thọ, kênh nối Đáy - Ninh Cơ, tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (hành lang số 2), cầu Đuống, kênh Chợ Gạo (giai đoạn II), kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền; nâng cấp các tuyến Việt Trì - Yên Bái, Vạn Gia - Ka Long, sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông, Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau; tập trung giải quyết vấn đề tĩnh không cầu không đảm bảo trên các tuyến vận tải thủy chính.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn II), phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nâng cấp tĩnh không cầu trên một số tuyến đường thủy trọng yếu có lưu lượng lớn khu vực phía Nam; kêu gọi đầu tư phát triển các cảng, bến trên các hành lang vận tải thủy có khối lượng lớn, đặc biệt tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Về hàng hải, phát triển cảng biển, cụm cảng biển trọng điểm có tính chất động lực như cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng (Lạch Huyện), Bà Rịa - Vũng Tàu (Cái Mép) để tiếp nhận được tàu trọng tải lớn phù hợp xu thế phát triển đội tàu biển thế giới; các cụm cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội, như cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh, cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi, cụm cảng Vũng Áng và Sơn Dương - Hòn La, cụm cảng Chân Mây - Đà Nẵng - Quảng Nam, cụm cảng Cà Ná - Vĩnh Tân, cụm cảng TP HCM - Bà Rịa Vũng Tàu; bến cảng khách quốc tế gắn với các trung tâm du dịch quốc gia; từng bước nghiên cứu đưa vào triển khai xây dựng những cảng nước sâu có tiềm năng như: cảng Nam Hòn Dấu (Hải Phòng), cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và một số các cảng tiềm năng khác.

Tàu cập cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN).

Trong giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép để phục vụ tàu đến 200.000 tấn/18.000 TEU; luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2 để cho tàu đến 20.000 tấn giảm tải vào các khu bến cảng phía sâu trong sông Hậu thuộc cảng biển Cần Thơ; cải tạo luồng vào cảng Nghi Sơn; đầu tư các bến cảng thuộc khu bến Lạch Huyện, Nghi Sơn, Liên Chiểu….; các dự án chủ quyền biển đảo (đèn biển, tàu tìm kiếm cứu nạn); kêu gọi đầu tư các bến cảng lớn khu vực Lạch Huyện, Nghi Sơn, Cái Mép Hạ.

Như vậy, đến năm 2030, dự kiến sẽ đầu tư khoảng 5.000 km đường cao tốc, một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối liên vùng; các cảng hàng không quốc tế cửa ngõ (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành), các cụm cảng biển lớn (Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu...); đầu tư đồng bộ các cảng và luồng đường thủy quan trọng kết nối với cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ; khởi công hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối với cụm cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.