Cấp phù hiệu một số taxi trên tuyến BRT: Sẽ không công bằng?

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng việc cấp phù hiệu cho một số hãng taxi vào giờ cấm trên tuyến BRT là không công bằng.
cap phu hieu mot so taxi tren tuyen brt se khong cong bang
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng việc cấp phù hiệu cho một số hãng taxi vào giờ cấm trên tuyến BRT là không công bằng. Ảnh: Đoàn Lê

Liên quan đến phương án có thể cấp phù hiệu cho một số hãng taxi chạy vào giờ cao điểm trên tuyến buýt nhanh BRT, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho rằng, về phía nhà quản lý đã nhận thấy quy định cấm nói trên sẽ ảnh hưởng tới khách hàng nên đã có phương án thay đổi.

"Hà Nội có quá nhiều đường cấm taxi. Đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương lại là tuyến huyết mạch nên cấm taxi sẽ gây khó khăn cho khách hàng", ông Bình nói.

Cũng theo vị này, phương án "cấp phù hiệu cho một số hãng taxi" sẽ khiến một số hãng hưởng lợi và xảy ra tình trạng không công bằng giữa doanh nghiệp.

"Một số hãng đã hoạt động trên tuyến này trước khi cấm thì gặp khó khăn là đương nhiên. Tuy nhiên, nếu chỉ cấp cho những hãng này thì những hãng có xe chạy qua tuyến thì sao?", ông Bình nêu câu hỏi.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng nhận định, việc cấm taxi không chỉ ảnh hưởng doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới khách hàng. Ông Bình cho rằng các nhà quản lý nên cấm các phương tiện cá nhân thay vì phương tiện công cộng như taxi.

"Hà Nội có trên 500.000 ô tô cá nhân nhưng số taxi chỉ có khoảng 20.000 chiếc. Chúng ta có thể áp dụng việc cấm biển chẵn, lẻ... để hạn chế ô tô cá nhân chạy trên tuyến BRT. Còn taxi thì không nên cấm vì phải được ưu tiên phục vụ khách hàng", ông Bình cho biết.

cap phu hieu mot so taxi tren tuyen brt se khong cong bang
Trên tuyến BRT có nhiều cơ quan, đơn vị, khách sạn... nên lượng người dân có nhu cầu sử dụng taxi cao. Ảnh: Đoàn Lê

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì phương án cấp phù hiệu cho một số hãng taxi đã có từ trước. Lý do vì trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương có nhiều cơ quan, xí nghiệp, khách sạn... với nhu cầu khách đi taxi cao. "Tôi cho rằng phương án cấp phù hiệu cho taxi là phù hợp vì không thể cấm nhu cầu đi lại của người dân bằng taxi được", ông Liên nói.

Cũng theo vị này, việc cấp phù hiệu cho một số hãng chứ không phải tất cả cũng sẽ dẫn đến cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Liên thì phương án trên dành cho những hãng taxi đã thuê sảnh đỗ trên tuyến từ trước, tức là đã hoạt động từ trước khi có tuyến BRT.

Trước đó, theo quyết định của TP Hà Nội, từ ngày 25/12/2016, cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6 – 9h, chiều 16h30 – 19h30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.

cap phu hieu mot so taxi tren tuyen brt se khong cong bang
Sau Tết, taxi có thể được chạy vào giờ cấm trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Ảnh: Đoàn Lê

Trao đổi với PV sáng 19/1, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết Sở đang nghiên cứu phương án có thể cấp phù hiệu cho một số hãng taxi chạy vào giờ cao điểm tại tuyến đường nói trên - nơi buýt nhanh BRT hoạt động.

Theo ông Viện, tuyến đường nêu trên có nhiều cơ quan nhà nước, công ty, khách sạn lớn do đó việc cấm taxi sẽ khiến những đơn vị này bị ảnh hưởng. "Chúng tôi không chấp nhận taxi đón trả khách trên đường mà chỉ nghiên cứu cho những đơn vị có bãi đủ lớn để taxi vào. Ngoài ra, taxi chỉ chạy trên tuyến BRT vào giờ cao điểm chứ cấm vào làn riêng của xe buýt nhanh", ông Viện khẳng định.

Cũng theo vị này, Sở sẽ thẩm định bãi đỗ của các đơn vị và báo cáo lên thành phố. Nếu được thì đề xuất này sẽ thực hiện sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...